Bất ngờ với hành tinh đảo ngược hàng trăm lần ngay trong Hệ Mặt trời
15 Tháng Mười 2019
Trong suốt lịch sử 4,5 tỉ năm, có giai đoạn Bắc Cực và Nam Cực của hành tinh này đổi chỗ tới… 26 lần trong mỗi triệu năm. Bất ngờ hơn, đó là hành tinh chúng ta đang sống. Một nghiên cứu vừa công bố trực tuyến trên tạp chí Earth and Planetary Science Letters đã hé lộ một giai đoạn điên cuồng của trái đất: liên tục đảo ngược cực từ: Bắc Cực hóa Nam Cực và ngược lại. Khá bất ngờ, giai đoạn này rơi đúng vào thời kỳ bùng nổ tiến hóa – đa dạng sinh học của các loài, đó là kỷ Cambri.
Các tác giả đến từ Viện Vật lý Địa cầu Paris (Pháp) và Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã thu thập các mẫu trầm tích từ một mỏm đá ở phía Đông Bắc Siberia.
Tại phòng thí nghiệm, họ đã xác định sự định hướng của các hạt từ tính mắc kẹt trong trầm tích bằng cách làm nóng từ từ chúng đến nhiệt độ cực cao dể khử từ. Sự đinh hướng của các hạt từ tính sẽ hé lộ hướng từ trường tại thời điểm trầm tích lắng đọng. Sau đó, họ xác định niên đại hóa thạch trilobite trong mỗi lớp trầm tích để viết lại lịch sử quay cuồng của hành tinh.
Trầm tích đã hé lộ một giai đoạn nổi loạn khó tin của trái đất, rơi vào thời điểm trước mốc 500 triệu năm về trước. Khi đó, trái đất liên tục đảo 2 cực từ - Bắc Cực và Nam Cực – tới 26 lần trong mỗi triệu năm. Giai đoạn khủng khiếp đó kết thúc vào giai đoạn 495 triệu năm đến 500 triệu năm trước, hành tinh của chúng ta bắt đầu ngoan ngoãn hơn, chỉ đảo ngược 1-2 lần trong mỗi triệu năm.
Phát hiện mới trên cho thấy hành tinh của chúng ta đã đảo ngược nhiều lần hơn so với suy nghĩ trước đây, ít ra là hàng trăm lần trong suốt lịch sử quay cuồng của nó.
Sự đảo ngược cực từ thường xuyên này gây ra bởi những thay đổi về điều kiện nhiệt độ trong lõi ngoài bằng sắt hóa lỏng, do lớp phủ của trái đát điều khiển. Tuy nhiên các nhà khoa học cũng phát hiện từ 600-700 triệu năm về trước, lõi hành tinh chúng ta đã bắt đầu hạ nhiệt và rắn dần, nên có thể sự đảo ngược sẽ ít xảy ra hơn.
Nhưng lần đảo ngược cực từ cuối cùng của trái đất được ghi nhận đã 780.000 triệu năm về trước, nên rất có thể thế giới tương lai sẽ sớm đối diện một lần đảo ngược khác. Tuy nhiên, theo tác giả chính Yves Gallet, giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quốc gia Pháp (thuộc Viện Vật lý Địa cầu Paris), lần đảo ngược cực từ sắp tới có thể sớm với trái đất nhưng không sớm với loài người, vì đó là một quá trình hết sức chậm chạp.
Trước đó, một nghiên cứu công bố đầu năm nay của Trung tâm Thông tin môi trường Quốc gia, trực thuộc Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) đã cho thấy cực Bắc thật sự của trái đất đang bắt đầu rời khỏi vị trí quen thuộc trên lãnh thổ Canada và trôi về phía Siberia (Nga).