Kỷ niệm 62 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (03/3/1959 - 03/3/2021) và 32 năm “ngày Biên phòng toàn dân” (03/3/1989 - 03/3/2021)

03 Tháng Ba 2021
Nhân dịp kỷ niệm 62 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (03/3/1959 - 03/3/2021)  và 32 năm “ngày Biên phòng toàn dân” (03/3/1989 - 03/3/2021), Ban Biên tập Website giới thiệu bài viết về lịch sử 62 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Bộ đội Biên phòng và Ngày Biên phòng toàn dân:

HINH4.jpg
 
I. 62 NĂM XÂY DỰNG, CHIẾN ĐẤU VÀ TRƯỞNG THÀNH CỦA BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG
1. Khái quát quá trình hình thành phát triển của BĐBP

Biên giới quốc gia là bộ phận thiêng liêng, bất khả xâm phạm, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế và đối ngoại, được bảo vệ vững chắc cả thời bình và thời chiến. Trải qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, ông cha ta luôn coi biên cương là “phên dậu” của Tổ quốc, mọi biến động nơi biên cương đều liên quan đến sự an nguy của đất nước, đó là gia tài thiêng liêng, vô cùng quý giá của ông cha ta truyền lại cho con cháu. Do đó, ngay sau thắng lợi của Chiến dịch Biên giới năm 1950, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập 03 lực lượng trực thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới đất liền, bờ biển, giới tuyến và các mục tiêu quan trọng ở nội địa, gồm: Công an Biên phòng thuộc Bộ Công an, thành lập theo Sắc lệnh số 141/SL ngày 16/02/1953 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, bố trí thành các Đồn Biên phòng dọc biên giới, trực thuộc Ty Công an các tỉnh có biên giới; Cảnh sát vũ trang thuộc Bộ Công an được thành lập theo Nghị định số 982/TTg ngày 28/7/1956 của Chính phủ; làm nhiệm vụ bảo vệ các trại giam, tham gia tiễu phỉ, trừ gian; cùng với 02 lực lượng trên còn có các đơn vị quân đội thuộc Bộ Quốc phòng làm nhiệm vụ bảo vệ (gọi là Bộ đội Bảo vệ), gồm: Trung đoàn Tây Bắc bảo vệ biên giới Việt Nam - Lào, Đại đoàn 350 (Sư đoàn 350) làm nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan Trung ương, bảo vệ các mục tiêu chính trị, kinh tế, quân sự quan trọng ở miền Bắc và Tiểu đoàn 25 (sau này là Tiểu đoàn 41) làm nhiệm vụ bảo vệ giới tuyến quân sự tạm thời.

Ngày 19/11/1958, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) ra Nghị quyết số 58/NQ-TW “Về việc thành lập lực lượng Cảnh vệ nội địa và Biên phòng”, sau này là lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Đây là Nghị quyết đầu tiên của Đảng về công tác Biên phòng, nội địa và giới tuyến, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của biên giới quốc gia, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với lực lượng vũ trang chuyên trách, nòng cốt bảo vệ biên giới, giới tuyến và các mục tiêu nội địa. Nghị quyết của Bộ Chính trị xác định lực lượng Cảnh vệ có nhiệm vụ: “Trấn áp mọi hành động phá hoại của bọn phản cách mạng trong nước và bọn phản cách mạng ngoài nước xâm nhập phá hoại nước ta, luôn luôn sẵn sàng, chiến đấu để bảo vệ an ninh biên giới, bờ biển, giới tuyến và nội địa, bảo vệ an toàn cho các cơ sở kinh tế, văn hóa quan trọng”. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 03/3/1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 100/TTg thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang, nêu rõ: “Thống nhất các đơn vị bộ đội quốc phòng đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, giới tuyến và các đơn vị Công an biên phòng, Cảnh sát vũ trang thành một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là Công an nhân dân vũ trang, đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an”. Từ đó ngày 03 tháng 3 hàng năm trở thành Ngày truyền thống của Bộ đội Biên phòng.

Từ đây nước ta chính thức có một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác nội địa, biên phòng, tập trung thống nhất từ trung ương đến cơ sở, gồm 3 cấp: Trung ương có Ban Chỉ huy Trung ương Công an nhân dân vũ trang (tháng 7/1961 đổi tên thành Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang); cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh, thành phố; cấp cơ sở có các Đồn Công an nhân dân vũ trang và đơn vị cơ động.

Hơn nữa thế kỷ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Công an nhân dân vũ trang trước đây, BĐBP ngày nay liên tục có sự phát triển về biên chế, tổ chức và nhiệm vụ gắn liền với quá trình vận động, phát triển của đất nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo được cụ thể hóa bằng các nghị quyết của Đảng và các quyết định của Chính phủ, trong đó có 03 Nghị quyết đánh dấu sự thay đổi tổ chức của BĐBP là: Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/10/1979 của Bộ Chính trị (khóa IV) về việc “Chuyển giao nhiệm vụ và lực lượng Công an nhân dân vũ trang sang Bộ Quốc phòng”; Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 30/11/1987 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) về “Nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình mới”,Chuyển giao BĐBP cho Bộ Nội vụ trực tiếp phụ trách”; Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 08/8/1995 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) về “Xây dựng BĐBP trong tình hình mới” đã quyết định chuyển BĐBP từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng.

Ngày 22/12/2004, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) ra Thông báo số 165-TB/TW về tổ chức BĐBP đã nhấn mạnh: Công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng BĐBP phải bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng và các tỉnh ủy, thành ủy (nơi có BĐBP). Giữ ổn định lâu dài hệ thống tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của BĐBP như Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 08/8/1995 của Bộ Chính trị (khóa VII). BĐBP là một Quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng, được chỉ huy, đảm bảo thống nhất theo ngành dọc từ Trung ương đến cơ sở, với 3 cấp: Bộ Tư lệnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, thành phố và đồn Biên phòng. Thường xuyên phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn; khi có chiến tranh thực hiện theo quy chế của Bộ Quốc phòng.

2. Quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của BĐBP

2.1. Thời kỳ 1959 - 1965: Xây dựng phòng tuyến nhân dân, tiểu phỉ, chống gián điệp, biệt kích, bảo vệ biên giới, giới tuyến quân sự tạm thời và các mục tiêu trọng yếu ở nội địa

2.2. Thời kỳ 1965 - 1975: Vừa tham gia bảo vệ biên giới, giới tuyến quân sự tạm thời và các mục tiêu trọng yếu ở nội địa vừa tham gia đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc và chi viện cho An ninh vũ trang miền Nam

2.3. Thời kỳ 1975 - 1986: Quản lý, bảo vệ biên giới trên phạm vi toàn quốc, đấu tranh chống kế hoạch hậu chiến của địch, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới, làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào và Campuchia

2.4. Thời kỳ 1986 đến nay: Đổi mới đồng bộ, toàn diện công tác Biên phòng, xây dựng Bộ đội Biên phòng vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao trong thời kỳ hội nhập quốc tế
Trải qua 62 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã lập nên nhiều chiến công và thành tích vẻ vang được Đảng, Nhà nước ghi nhận: Toàn lực lượng đã 02 lần được tuyên dương Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; được tặng thưởng 01 Huân chương Sao vàng; 03 Huân chương Hồ Chí Minh; 02 Huân chương Độc lập hạng Nhất, hạng Nhì; 02 Huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Ba; 01 Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. Có hàng trăm lượt tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân,...

3. Truyền thống tốt đẹp tiêu biểu của BĐBP

Trải qua 62 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã không ngừng kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của BĐBP, đó là:

Một là, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong mọi tình huống.

Hai là, cảnh giác, mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu, chủ động sáng tạo trong công tác, quyết thắng mọi kẻ thù và các loại tội phạm, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Ba là, gắn bó máu thịt với nhân dân; đoàn kết, phối hợp với các ngành, các lực lượng; phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng và bảo vệ biên giới.

Bốn là, đoàn kết nội bộ, trên dưới một lòng, đồng cam cộng khổ, vượt mọi khó khăn; thực hiện “liêm, chính, kiệm, cần”, xây dựng lực lượng ngày càng vững mạnh.

Năm là, tăng cường đoàn kết quốc tế, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng.

HINH-1.jpg
 
II. NGÀY BIÊN PHÒNG TOÀN DÂN

Biên giới quốc gia là bộ phận thiêng liêng, bất khả xâm phạm, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế và đối ngoại. Trải qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, ông, cha ta luôn coi biên cương là “phên dậu” của Tổ quốc, mọi biến động nơi biên giới đều liên quan đến sự an nguy của đất nước, vì vậy, ông, cha ta đã thực hiện khéo léo chính sách “nhu viễn” (coi nơi địa đầu biên cương xa xôi là huyết mạch cốt tử của triều đình) để xây dựng thành lũy, tích trữ lương thảo, vũ khí, lấy dân binh lập phên, trấn đồn trú canh giữ đêm ngày. Từng tấc đất thiêng liêng mà các thế hệ ông, cha truyền lại cho chúng ta hôm nay không chỉ là giang sơn gấm vóc, mà còn là ý chí, truyền thống và kinh nghiệm của mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Ngày nay, Tổ quốc thống nhất, đất nước liền một dải, nước ta có đường biên giới đất liền dài 4.550km, tiếp giáp với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Vương quốc Campuchia; có bờ biển dài 3.260km và vùng biển rộng hơn 01 triệu km2, bao gồm hàng ngàn đảo, quần đảo, tiếp giáp với hải phận quốc tế, vùng biển của các nước Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Malaixia, Philippin, Inđônêxia và Brunây.
Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ sự bất khả xâm phạm khu vực biên giới, vùng biển, đảo của Tổ quốc. Tại lễ thành lập Công an nhân dân vũ trang tổ chức tại Hà Nội chiều ngày 28/3/1959, Hồ Chủ tịch đã căn dặn: “Chống bọn xâm lược và bọn phá hoại là nhiệm vụ của quân đội, của công an nói riêng và toàn dân nói chung; là nhiệm vụ mà quân đội và công an phải dựa vào dân mới hoàn thành được tốt. Ví dụ: Một vạn công an chỉ có hai vạn tai, hai vạn mắt, hai vạn tay chân, nhưng nhân dân có hàng triệu tai, hàng triệu mắt, hàng triệu tay chân. Cho nên chúng ta phải dựa vào dân để hoạt động. Khi tổ chức được nhân dân, đoàn kết được dân thì việc gì cũng làm được”.

HINH-5.jpg

Từ thực tiễn hiệu quả của phong trào quần chúng Nhân dân tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới, ngày 22/02/1989, Hội đồng Bộ trưởng, nay là Chính phủ ban hành Quyết định số 16/HĐBT “Về tổ chức Ngày Biên phòng” trong cả nước, bắt đầu từ ngày 03/3/1989. Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa XI), ngày 17/6/2003 đã thông qua Luật Biên giới Quốc gia, trong đó xác định lấy ngày 03/3 hàng năm là “Ngày Biên phòng toàn dân”. Trong đó, nêu rõ 5 nội dung yêu cầu của “Ngày Biên phòng toàn dân” là :

Một là, nâng cao ý thức cảnh giác, tinh thần trách nhiệm của nhân dân các dân tộc, của cán bộ, nhân viên các cơ quan, đoàn thể ở biên giới làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Hai là, tăng cường đoàn kết hợp đồng chiến đấu và giúp đỡ lẫn nhau giữa BĐBP và Nhân dân, giữa lực lượng Biên phòng với các lực lượng khác.

Ba là, không ngừng củng cố và phát triển tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới, chống mọi hành vi xâm phạm biên giới Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bốn là, đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ trung tâm và đột xuất của các địa phương.

Năm là, khen thưởng bằng các hình thức thích hợp cho các tập thể và cá nhân có công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên giới.

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa XI) ngày 17/6/2003 đã thông qua Luật Biên giới quốc gia, trong đó qui định lấy ngày 03/3 hàng năm là “Ngày Biên phòng toàn dân”. Đây là quyết định đánh dấu sự phát triển toàn diện của công tác Biên phòng; mở ra giai đoạn mới, huy động sức mạnh toàn dân, toàn diện để đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Từ đó, cứ 5 năm một lần Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị sơ kết thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” trong phạm vi cả nước. Tại Điều 14 Nghị định số 140/2004/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều của Luật Biên giới quốc gia quy định nội dung hoạt động của “Ngày Biên phòng toàn dân” là:

Thứ nhất, giáo dục ý thức pháp luật về biên giới quốc gia, tôn trọng biên giới, chủ quyền lãnh thổ, tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, nhân viên, cơ quan, tổ chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và của toàn dân đặc biệt là cán bộ, nhân viên cơ quan, tổ chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, chính quyền và nhân dân khu vực biên giới trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới.

Thứ hai, huy động các ngành, các địa phương hướng về biên giới, tích cực tham gia xây dựng tiềm lực về mọi mặt ở khu vực biên giới, tạo ra sức mạnh của toàn dân, giúp đỡ Bộ đội Biên phòng và các đơn vị khác thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, các cơ quan chức năng ở khu vực biên giới trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Thứ ba, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài với các nước láng giềng, phối hợp hai bên biên giới trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và phòng, chống tội phạm.

Thứ tư, người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.

Thứ năm, Bộ Tư lệnh BĐBP có trách nhiệm tham mưu cho Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân.

Qua 32 năm thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” đã nâng cao được nhận thức, tinh thần trách nhiệm của quần chúng Nhân dân và cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương ở biên giới làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Các ban, bộ, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến các địa phương, nhất là các tỉnh, thành có biên giới, bờ biển đã đề ra chủ trương, biện pháp, chương trình phối hợp, hiệp đồng đạt hiệu quả thiết thực, huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp Nhân dân hướng về biên giới, hải đảo, nhằm tập trung ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, củng cố quốc phòng, an ninh vùng biên giới, hải đảo. Nhiều chương trình phối hợp đạt hiệu quả thiết thực như: “Quân dân y kết hợp”,Vận động phụ nữ các dân tộc biên giới, hải đảo”, “Phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ”, “Đẩy mạnh hoạt động văn hóa, thể thao ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở biên giới”, “Vận động nông dân các dân tộc vùng biên giới, ven biển, hải đảo đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ biên giới Tổ quốc”, “Phủ sóng phát thanh, truyền hình khu vực biên giới, hải đảo”, Cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới, hải đảo”,Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, “Nâng bước em đến trường”... Qua thực hiện “Ngày biên phòng toàn dân” đã xuất hiện nhiều mô hình, phong trào tiêu biểu của quần chúng tham gia bảo vệ an ninh biên giới Tổ quốc như: “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới”, “Thanh niên xung kích bảo vệ đường biên”, “Người phụ nữ vì biên cương”, “Thôn xóm bình yên, gia đình hòa thuận”, “Già làng, trưởng bản gương mẫu”, “Tàu thuyền an toàn”, “Bến bãi văn hóa”, “Họ đạo gương mẫu”... Kết quả thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” đã tăng cường đoàn kết hiệp đồng chiến đấu và giúp đỡ lẫn nhau giữa BĐBP và Nhân dân, giữa BĐBP và các lực lượng khác; không ngừng củng cố và phát triển tinh thần đoàn kết, hữu nghị giữa Nhân dân hai bên biên giới chống mọi hành vi xâm phạm biên giới của Tổ quốc; đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất của địa phương, BĐBP đã trực tiếp tăng cường hàng trăm cán bộ giữ các chức danh bí thư, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch, phó chủ tịch UBND tại các xã biên giới đặc biệt khó khăn và phân công 100% đảng viên các đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt, phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới, biển đảo. 32 năm thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” đã có hàng nghìn tập thể tỉnh, thành, quận, huyện, xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp và cá nhân đã có công đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới Tổ quốc; tham gia xây dựng lực lượng BĐBP vững mạnh được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP, UBND các tỉnh, thành, quận, huyện tặng thưởng nhiều Huân chương, Bằng khen, Giấy khen, Kỷ niệm chương... Qua đó đã góp phần tích cực động viên, giúp đỡ quân dân biên giới, biển đảo và cán bộ chiến sĩ BĐBP khắc phục khó khăn, gian khổ, yên tâm, kiên trì, bám trụ, đấu tranh giữ vững độc lập chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Tổ quốc trong mọi tình huống.
 
Nguồn: Tuổi trẻ Bộ đội Biên phòng Gia Lai
Số lượt xem: 1

Các tin khác