Trên cơ sở Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn về việc đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa đọc trong trường học. Thực hiện chỉ đạo đó, những năm qua, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã nỗ lực xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong nhà trường.
Bước vào thư viện Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, ấn tượng nhất là thường xuyên có nhiều học sinh đổi trả sách và đọc sách. Em Trần Thị Thủy Tiên-học sinh lớp 11A1-cho biết: “Em rất thích đến thư viện của trường vì ở đây yên tĩnh, mát mẻ, có nhiều sách để lựa chọn, vừa phục vụ cho việc học, vừa giúp thư giãn đầu óc”. Nhà trường xây dựng “Kế hoạch phát triển văn hóa đọc năm học 2020-2021” rất cụ thể, chi tiết với nhiều giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng sách trong thư viện. Các giải pháp cũng hướng đến hỗ trợ cán bộ, giáo viên vừa nâng cao kiến thức, chất lượng dạy học, vừa giải trí thông qua vốn tài liệu tại thư viện; giúp học sinh có niềm say mê đọc sách, tích lũy kiến thức cho việc học tập, có phương tiện giải trí lành mạnh để tránh xa các tệ nạn xã hội.
Bà Nguyễn Thị Phúc - Nhân viên thư viện chia sẻ: “Năm học này, Ban Giám hiệu quyết tâm xây dựng phong trào đọc sách rộng khắp trong toàn trường. Tôi được giao nhiệm vụ hệ thống toàn bộ danh mục sách, cập nhật vào phần mềm nhằm thuận tiện cho việc lựa chọn, đồng thời sắp xếp thư viện gọn gàng, khoa học để có nhiều không gian đọc nhất cho thầy cô và các em học sinh. Hiện nay, số bàn đọc ở thư viện đủ phục vụ cho 40-50 người cùng lúc. Cơ sở vật chất cũng được nhà trường chú trọng đầu tư đầy đủ gồm quạt, thiết bị chiếu sáng…”.
Để phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, bà Phúc cũng đã có nhiều cách làm sáng tạo như xây dựng đội ngũ cộng tác viên của thư viện là học sinh ở các khối lớp làm nhiệm vụ tuyên truyền, giới thiệu sách mới, sách hay đến nhiều người đọc. Bà còn liên hệ với Thư viện huyện, Thư viện tỉnh để mượn thêm sách và tạo vòng luân chuyển sách. Khi có sách mới, bà đưa danh mục cho giáo viên chủ nhiệm hoặc đội ngũ cộng tác viên giới thiệu nội dung của từng quyển sách để người đọc dễ dàng lựa chọn. Mỗi quyển sách đều được các cộng tác viên giới thiệu công phu, có hình ảnh minh họa, được sắp xếp theo thứ tự ở thư viện, trông rất bắt mắt và hấp dẫn. Chính cách làm này tạo động lực rất lớn thôi thúc các em mượn sách để đọc.
Chương trình phát động phong trào đọc sách trong thư viện nhà trường do Tỉnh Đoàn tổ chức ngày 13-4 được đông đảo học sinh hưởng ứng, tham gia.
Ảnh: Phan Lài
Nhà trường cũng có nhiều hoạt động để cổ vũ phong trào đọc sách như: tổ chức lễ phát động trọng thể, sâu rộng tới từng tập thể lớp, tổ chuyên môn, các tổ chức đoàn thể cùng thi đua đọc nhiều sách nhất có thể với phương châm “Đọc sách ở thư viện, đọc sách ở mọi nơi”. Nhà trường cũng lồng ghép vào giờ chào cờ đầu tuần chuyên mục giới thiệu “Mỗi tuần 1 cuốn sách” do lớp trực tuần đảm nhiệm. Đồng thời, động viên mỗi lớp mua ít nhất 2 cuốn sách để trong tủ sách lớp học, trao đổi sách giữa các lớp để cùng đọc. Một trong những yêu cầu đặt ra là phấn đấu 80% học sinh tham gia đọc sách. Thông qua việc đọc, các em có thêm kiến thức phục vụ học tập, rèn luyện kỹ năng sống, nghiên cứu khoa học và giải trí.
Phong trào đọc sách trở thành tiêu chí quan trọng để đánh giá xếp loại cuối năm đối với các tập thể và cá nhân trong trường. Lớp 10A2 do cô Nguyễn Thị Châm chủ nhiệm là một trong những tập thể được đánh giá cao trong phong trào này. Đến nay, hầu hết học sinh trong lớp đã quen thuộc với việc cùng nhau lên thư viện học bài, làm bài, đọc sách… Cô Châm cho biết: “Để xây dựng phong trào cho lớp, tôi phải đả thông tư tưởng cho các em, chỉ ra những lợi ích thiết thực khi cùng nhau trao đổi học tập tại thư viện. Đặc biệt, nguồn sách có sẵn tại thư viện rất thuận lợi cho các em tìm tòi mở rộng kiến thức. Thời gian đầu, tôi lên thư viện đọc sách cùng học sinh. Mất vài tháng tập cho các em thói quen đọc sách, thảo luận cùng nhau tại thư viện, dần dần đã trở thành nền nếp. Hiệu quả rõ rệt là các em trở nên tích cực, chủ động trong học tập và cả các công việc khác”.
Giờ đây, ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, lớp học nào cũng có giá sách, tủ sách riêng. Dù số lượng sách còn ít và chưa phong phú nhưng đó là tín hiệu tích cực, cho phép chúng ta hy vọng văn hóa đọc rồi sẽ lan tỏa sâu rộng, trở thành một nét đẹp học đường.
NGUỒN: BÁO GIA LAI