Với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, nhiều thanh niên Jrai đã không ngại khó khăn, vất vả, quyết tâm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, sáng tạo trong phát triển kinh tế và giúp ích cho cộng đồng.
Chàng trai đam mê nông nghiệp
Một ngày cuối năm, chúng tôi đến thăm anh Kpă Séo (SN 1995) ở buôn Ia Prông, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa. Anh tâm sự: Năm 2019, sau khi tốt nghiệp Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, do không tìm được công việc phù hợp nên anh phải làm nhiều nghề để kiếm sống như: lái xe, phụ hồ… Khi ra ở riêng, vợ chồng anh tích cực làm việc, tích góp mua đất rẫy kết hợp nuôi bò sinh sản, vỗ béo. Ngoài ra, để hạn chế thiệt hại trong chăn nuôi, anh thường xuyên học hỏi kinh nghiệm của các hộ chăn nuôi khác, đồng thời tìm hiểu thêm kiến thức qua sách báo, mạng internet. Từ đây, anh Séo chú trọng khâu phòng trừ dịch bệnh bằng cách vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, phun thuốc khử trùng và tiêm vắc xin phòng các loại bệnh trên đàn gia súc. Anh còn tận dụng bã thực vật, phân bò để ủ hoai làm phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện gia đình anh có 10 con bò sinh sản, 2 ha đất rẫy luân phiên trồng các loại cây như: mì, thuốc lá, đậu… Sau khi trừ chi phí, anh thu về 200 triệu đồng/năm.
Chị Rơ Lan H'Anh (bìa trái) chia sẻ kinh nghiệm cạo mủ cao su cho đồng nghiệp. Ảnh: R.P
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, tháng 8-2021, anh Séo vận động thanh niên địa phương có cùng chí hướng thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ thanh niên xã Đất Bằng. Hiện HTX có 19 thành viên. Mục đích của HTX là trao đổi kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi, từ đó, thay đổi phương pháp sản xuất, hỗ trợ nhau áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, HTX hỗ trợ bà con nông dân về vật tư nông nghiệp, kỹ thuật, giống cây trồng, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm và triển khai một số mô hình kinh tế có tiềm năng, trong đó có sản phẩm chủ lực là: mì, thuốc lá nâu, bắp sinh khối.
Năm 2021, HTX đạt lợi nhuận 300 triệu đồng. Cùng với đó, HTX đã tạo việc làm ổn định cho nhiều người, thực hiện công tác an sinh xã hội, nhất là giúp đỡ một số hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Ông Rcom Hop (buôn Ia Rnho, xã Đất Bằng) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện khó khăn. Từ khi được anh Séo tạo điều kiện làm việc thời vụ tại HTX, điều kiện kinh tế của gia đình tôi dần ổn định”.
Khi địa phương có chủ trương triển khai công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng đến cộng đồng dân cư, anh Séo đã vận động thanh niên địa phương ký hợp đồng nhận quản lý, bảo vệ rừng để có thêm thu nhập từ kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đến nay, 5 thành viên HTX đã đăng ký quản lý, bảo vệ rừng với diện tích hơn 100 ha. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ phát triển chăn nuôi dưới tán rừng kết hợp với bảo tồn cây gừng rừng để sản xuất sản phẩm gừng rừng, muối kiến vàng nhằm đem lại hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ triển khai các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng, du lịch về nguồn trên địa bàn xã; khôi phục nghề làm rượu cần bằng men truyền thống, triển khai các dịch vụ khác để phục vụ các nhu cầu của du khách gần xa”-anh Séo chia sẻ.
Ông Trịnh Thanh Khiết-Bí thư Đảng ủy xã Đất Bằng-nhận xét: Anh Kpă Séo là tấm gương điển hình về nỗ lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, HTX Nông nghiệp và dịch vụ thanh niên xã Đất Bằng đã giúp các thành viên nâng cao hiệu quả sản xuất, có đầu ra ổn định, đồng thời hỗ trợ người dân phương pháp kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, giải quyết việc làm.
Thanh niên tiêu biểu của ngành cao su
Năm 2013, khi vừa tròn 18 tuổi, chị Rơ Lan H'Anh (làng Pó, xã Ia Kly, huyện Chư Prông) xin vào làm công nhân Nông trường Cao su Suối Mơ (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông). Chị H'Anh chia sẻ: “Khi đơn vị tổ chức lớp huấn luyện tay nghề và thi thợ cạo mủ giỏi, mình đều tham gia. Thông qua các cuộc thi, mình có thêm kiến thức, được học hỏi kinh nghiệm của các anh chị công nhân nên tay nghề vững vàng hơn. Nhờ vậy, vườn cây mình nhận khoán luôn được chăm sóc tốt, sản lượng năm nào cũng vượt chỉ tiêu Công ty giao 8-15%”.
Anh Kpă Séo (ở giữa) chia sẻ kinh nghiệm trồng cây thuốc lá cho thanh niên địa phương. Ảnh: R.P
|
Từ sự nỗ lực của bản thân, tại Hội thi bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su lần thứ XII-2020 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, chị H'Anh đã đoạt 3 giải gồm: Bàn tay vàng cấp ngành, Tài năng trẻ và Công nhân đồng bào dân tộc thiểu số có điểm tuyệt đối (100/100). Mới đây, chị là 1 trong 41 thợ trẻ giỏi toàn quốc được Trung ương Đoàn vinh danh.
Nói về chị H'Anh, chị Kpuih Pết-công nhân Đội 16, Nông trường Cao su Suối Mơ-nhận xét: “Chị H'Anh rất nhiệt tình trong công việc. Chị thường hỗ trợ và khích lệ những công nhân mới vào nghề. Nhờ được chị H'Anh giúp đỡ, mình không chỉ cạo nhanh, chuẩn xác, mở miệng cạo đẹp mà còn đảm bảo quy trình kỹ thuật và đạt sản lượng cao, thu nhập được tăng lên”. |
|
Ông Đỗ Trường Phi-Giám đốc Nông trường Cao su Suối Mơ-nhận xét: “Chị H'Anh luôn chăm chỉ và không ngừng sáng tạo trong công việc. Nhờ vậy, năm nào chị cũng dẫn đầu cả đội về sản lượng mủ vượt khoán, chất lượng vườn cây luôn đạt cao. Liên tục 3 năm liền, chị H'Anh đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, nhận nhiều bằng khen của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Năm 2021, chị được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua và các cuộc vận động của tỉnh năm 2020; năm 2021 được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ năm 2016 đến năm 2020; năm 2022 được Ban Chấp hành Trung ương Đoàn tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm 2021 và đạt danh hiệu “Người thợ giỏi” toàn quốc lần thứ XIII-2022.
Nguồn: baogialai.com.vn