Sản xuất than sinh học từ rác thải thực vật

08 Tháng Hai 2021
Không chỉ đạt thành tích cao trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2020-2021, Dự án “Sản xuất than sinh học (biochar) từ rác thải thực vật bằng lò yếm khí để bảo vệ môi trường và cải tạo đất trồng rau” của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh Gia Lai còn góp phần mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.
 
Biến rác hữu cơ thành than sinh học
 
Xuất phát từ ý tưởng thu gom, biến rác hữu cơ thành than sinh học để chăm bón các loại rau màu, cải thiện bữa ăn hàng ngày cho học sinh, cô và trò Trường PTDTNT tỉnh đã bắt tay thực hiện dự án nêu trên. Dự án do nhóm tác giả Hà Thị Mai Lan và Ngân Thị Ngọc Mai (cùng là học sinh lớp 12A) nghiên cứu, thực hiện dưới sự hướng dẫn của cô Nguyễn Thị Mỹ Dung và cô Nguyễn Quỳnh Anh. Sau 50 ngày triển khai thực hiện Dự án, cô và trò Trường PTDTNT tỉnh đã thu gom lá cây, cành nhánh, vỏ trấu, vỏ hạt cà phê, phế phẩm nông nghiệp trong khuôn viên nhà trường đưa vào lò đốt yếm khí để tạo ra than sinh học.

hinh-che-bien-rac-thai.jpg
 
Lò đốt yếm khí than sinh học làm bằng tôn, có đường kính buồng đốt rộng 60 cm, cao 100 cm, ống khói hình trụ, có nắp đậy, cửa châm lửa... dễ dàng di chuyển. Tổng chi phí đầu tư cho 1 lò đốt là 3,5 triệu đồng. Khi đưa các loại rác hữu cơ vào lò thì cần nén thật chặt rồi mới đốt. Quá trình cháy trong lò thiếu không khí từ 4 giờ đến 8 giờ (quá trình đốt cháy diễn ra ngắn hay dài tùy thuộc vào lượng nguyên liệu nhồi vào lò chặt hay lỏng), nhiệt độ tăng dần lên từ 200 độ C đến 500 độ C, khi nhiệt độ lò giảm dần đến nhiệt độ bình thường thì các loại rác hữu cơ chuyển hóa thành than sinh học.
 
“Đây là kết quả cuối cùng của việc đốt lò yếm khí than sinh học. Công nghệ đốt lò yếm khí đã giảm thiểu tối đa lượng khí độc hại ra môi trường, đồng thời tạo ra sản phẩm than sinh học chứa nhiều hàm lượng nitơ, lân, kali... Đây là những chất giàu nguồn dinh dưỡng, rất tốt cho các loại cây trồng phát triển, an toàn cho con người và thân thiện với môi trường”-cô Nguyễn Thị Mỹ Dung khẳng định.

hinh-2-vuon-rau-dc-bon-phan-tai-che-(1).jpg
  
Là người đam mê nghiên cứu khoa học kỹ thuật, theo dõi sát sao 100 dự án tham gia cuộc thi, TS. Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng ban giám khảo cuộc thi-cho biết: “Dự án sản xuất than sinh học từ rác thải thực vật bằng lò yếm khí để bảo vệ môi trường và cải tạo đất trồng rau ở Trường PTDTNT tỉnh đã được Ban giám khảo đánh giá cao, được Giám đốc Sở và nhà tài trợ tặng thưởng giải tư vì tính sáng tạo, có hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào việc giáo dục, khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường”.
 
Làm cơ sở nhân rộng  
 
Những năm qua, cùng với phong trào thi đua dạy tốt-học tốt, Trường PTDTNT tỉnh đã tích cực tham gia các hoạt động giáo dục, tuyên truyền, vận động, thu gom và tái chế các loại rác, trồng cây xanh, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần xây dựng TP. Pleiku sớm trở thành “đô thị thông minh, cao nguyên xanh vì sức khỏe”.
 
Trong khuôn viên 3 ha, nhà trường trồng nhiều cây xanh, đặc biệt dành khoảng 2 sào đất để trồng rau xanh và vườn thuốc Nam. Ngay sau khi thực hiện thành công dự án nêu trên, nhà trường đã có kế hoạch nhân rộng sản xuất than sinh học để bảo vệ môi trường, cải tạo đất trồng các loại rau, củ, quả và trồng các loại thảo dược như: rau má, diếp cá, đinh lăng, tía tô, húng quế, mã đề... Khi được chăm bón than sinh học, cây trồng phát triển xanh tốt, ít sâu bệnh, cho năng suất cao, giảm thiểu khí thải nhà kính và cải tạo đất.
 
Em Ngân Thị Ngọc Mai (đồng tác giả của dự án) cho biết: “Được các thầy cô tận tình tư vấn, hướng dẫn, chúng em rất phấn khởi, nhanh chóng áp dụng cách làm hiệu quả từ dự án vào nơi học tập, khu dân cư để có nguồn rau tươi an toàn phục vụ bữa ăn hàng ngày, giải quyết việc làm ở nông thôn, giúp bà con thay đổi cách canh tác cũ kém năng suất, hiệu quả cũng như góp phần cải tạo đất”.
 
Trao đổi với P.V, thầy Võ Thành Nguyên-Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh-phấn khởi cho biết: “Dự án sản xuất than sinh học đã chứng minh được hiệu quả thực tế, giúp nhà trường tự túc nguồn rau quả sạch, cải thiện bữa ăn cho học sinh và có rau quả tươi an toàn bán ra thị trường. Hơn thế nữa, Dự án giúp học sinh trải nghiệm làm nông nghiệp, biết quý trọng công sức lao động, nâng cao nhận thức về ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ cộng đồng, góp phần xây dựng nhà trường ngày càng thân thiện với môi trường”.
 
Nguồn Báo Gia Lai
Số lượt xem: 0

Các tin khác