Xe lăn thông minh: Tấm lòng của học sinh Pleiku với người già neo đơn

31 Tháng Tám 2021
Nhằm giúp người già neo đơn di chuyển dễ dàng hơn, 2 em Tạ Quang Huy và Lê Trần Anh Tài (lớp 12D1, Trường THPT Pleiku) đã cùng nhau sáng chế chiếc xe lăn điều khiển bằng giọng nói qua điện thoại thông minh. Mô hình này của 2 nam sinh từng nhận được sự đánh giá cao tại các cuộc thi sáng tạo cấp tỉnh bởi ý tưởng đầy tính nhân văn.

Em Tạ Quang Huy chia sẻ: “Qua tìm hiểu, chúng em được biết, số lượng người già neo đơn ở nước ta đã tăng lên một cách đáng kể cùng với sự già đi của dân số. Tỷ lệ người cao tuổi sống với con cái cũng giảm nhanh. Họ luôn muốn tự làm mọi việc trong khả năng của mình. Bà nội em cũng vậy. Hiện bà đang sống một mình ở xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh. Dù đã ngoài 70 tuổi nhưng bà luôn muốn tự làm vườn, nuôi gà, nấu cơm mà không cần sự giúp đỡ của bất kỳ ai. Đã có lần bà trượt chân ngã phải nhập viện. Sau đó, việc đi lại của bà trở nên rất khó khăn. Vì thế, em đã suy nghĩ sẽ tạo ra một mô hình xe lăn điều khiển bằng giọng nói qua điện thoại thông minh để có thể hỗ trợ những người già như bà trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày”.
 
Ý tưởng của Huy đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của người bạn thân cùng lớp Lê Trần Anh Tài. Dưới sự hướng dẫn của thầy giáo dạy Công nghệ Nguyễn Thế Thảo, giữa tháng 8-2020, Huy và Tài bắt tay thực hiện dự án. Tài phân trần: “Chế tạo 1 chiếc xe lăn cho thuận lợi, phù hợp đối tượng sử dụng đã khó, đằng này lại thêm phần điều khiển tự động nên thực sự không chút dễ dàng với những học sinh chưa có nhiều kinh nghiệm như tụi em. Cả 2 phải mày mò tìm hiểu, nghiên cứu về hoạt động của các mạch điện tử, nhất là mạch Arduino; cấu tạo và hoạt động của chiếc xe lăn; lập trình kết nối xe lăn với điện thoại, điều khiển xe lăn thông qua phần mềm điều khiển bằng giọng nói; cách lắp ráp nhông, xích và động cơ điện để kết nối với xe lăn; hoạt động của các cảm biến hồng ngoại, siêu âm…”.
 
h1.jpg
Em Tạ Quang Huy (bìa trái) và Lê Trần Anh Tài (lớp 12D1, Trường THPT Pleiku) hỗ trợ nhau
viết phần mềm điều khiển cho xe lăn (ảnh chụp tháng 1-2021)

 

Sau khi đặt mua xe lăn và các linh kiện, phụ kiện cần thiết, Huy và Tài bắt đầu kết hợp hàn gắn các linh kiện tạo thành mạch điện tử hoàn chỉnh. Trong quá trình thử nghiệm, nhiều lần mạch bị cháy, hỏng, phải làm đi làm lại. Tiếp đó, kế thừa một số hướng dẫn lập trình trên mạng internet về mạch Arduino, 2 em đã viết phần mềm điều khiển xe lăn bằng giọng nói qua điện thoại phù hợp với mục tiêu mà mình đặt ra; đồng thời lắp ráp động cơ và mạch điện tử cho xe lăn.
 
“Các thuật toán để điều khiển xe, mô tơ được tích hợp sẵn trên phần mềm của Arduino. Vì vậy, ta chỉ cần kết nối Bluetooth với xe và điều khiển xe bằng phần mềm sẵn có bằng giọng nói là được. Sau khi nhận lệnh của người dùng và tiến hành soát lỗi, hệ thống sẽ điều hành các cảm biến, linh kiện trên mạch, cuối cùng là điều khiển mô tơ xe lăn. Người sử dụng có thể điều khiển xe tiến, lùi, sang trái hay phải tùy theo nhu cầu cá nhân”-Huy cho hay.
 
Sau 4 tháng nghiên cứu và chế tạo, chiếc xe lăn thông minh cũng đã hoàn thành trong niềm phấn khởi của 2 nam sinh. Thầy Nguyễn Thế Thảo vui vẻ cho biết: “Ý tưởng của Huy và Tài khá nhân văn nên khi nghe các em đề cập sẽ làm dự án này, tôi rất đồng tình, sẵn sàng hướng dẫn ngay. Bằng niềm đam mê nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống, 2 em đã không ngừng nỗ lực để hoàn thiện sản phẩm. Đáng mừng hơn khi dự án đã nhận được đánh giá cao tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ VII diễn ra vào tháng 1 vừa qua với giải nhì chung cuộc và mới đây là giải khuyến khích tại Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh lần thứ 9 năm 2021”.

h2.jpg
Em Tạ Quang Huy (lớp 12D1, Trường THPT Pleiku) kiểm tra lại
hoạt động của xe lăn sau khi hoàn thiện

 

Được biết, trước khi tham dự các cuộc thi, Huy đã mang chiếc xe lăn về cho bà nội dùng thử nghiệm và nhận được phản hồi tích cực. Bà Hồ Thị Diệm (bà nội Huy) chia sẻ: “Chiếc xe lăn rất thuận tiện cho những người già yếu sống neo đơn. Chỉ cần nói qua điện thoại thì có thể dễ dàng điều khiển xe tiến, lùi, rẽ phải, rẽ trái… giúp di chuyển dễ dàng và đảm bảo an toàn. Tôi rất vui khi thấy 2 cháu biết dành sự quan tâm tới người cao tuổi và đã tạo ra một phương tiện hữu ích như thế này”.
 
Không dừng lại ở xe lăn, Huy và Tài còn mong muốn phát triển sản phẩm để ứng dụng nhiều hơn nữa trong cộng đồng. “Chẳng hạn như gắn linh kiện điều khiển bằng giọng nói những chiếc khung xe đơn giản dùng vận chuyển đồ dùng trong khu cách ly nhằm hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp trong phòng-chống dịch Covid-19”-Huy hào hứng nêu ý tưởng.
Nguồn: Báo Gia Lai
Số lượt xem: 0

Các tin khác