"Sống trong đời sống cần có một tấm lòng"

03 Tháng Giêng 2020
Xin mượn câu hát này của Trịnh Công Sơn để nói về anh Y Ploi (35 tuổi, trú làng Bông Frăo, xã An Phú, TP. Pleiku), người mở lớp dạy đàn miễn phí cho nhiều trẻ em nghèo, đồng thời nhận nuôi 4 đứa trẻ bị bỏ rơi hoặc có hoàn cảnh khó khăn.

Dạy đàn miễn phí

Chúng tôi đến làng Phung (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) khi trời đã tối hẳn. Từ một ngôi nhà bỗng vọng lại tiếng đàn guitar. Trong gian chính của ngôi nhà, một người đàn ông và khoảng 20 đứa trẻ đang say sưa chơi đàn. Thỉnh thoảng, người đàn ông đến bên từng đứa trẻ hướng dẫn cách bấm hợp âm. Hỏi ra mới biết đây là lớp dạy đàn miễn phí của anh Y Ploi.
 
Sau khi nhắc đám trẻ tự học, anh Ploi cùng ông Phom-chủ nhân ngôi nhà-ngồi lại trò chuyện cùng chúng tôi. “Đây là lớp dạy đàn miễn phí đầu tiên của mình ở làng Phung này. Lớp mở hơn 2 tháng và có 22 cháu người Jrai theo học, đứa nhỏ nhất 9 tuổi, đứa lớn nhất 15 tuổi. Mình dạy các cháu về thanh nhạc và cách chơi các loại nhạc cụ như đàn guitar, đàn organ, trống cajon. Mình mong muốn các cháu có thể phát huy năng khiếu âm nhạc để sau này tự tin hơn trong giao tiếp hoặc xả stress nếu cần. Đây cũng là mở một hướng đi với cháu nào muốn dấn thân vào hoạt động nghệ thuật”-anh Ploi chia sẻ. 
 
Ông Phom tiếp lời: “Thầy Ploi quen biết và dạy đàn guitar cho đứa con gái lớn của tôi đang học đại học ở Sài Gòn. Mới đây, biết thầy muốn mở một lớp dạy nhạc miễn phí cho trẻ em trong làng, tôi nói thầy về nhà tôi mà dạy. Con gái thứ 2 của tôi cũng đang được thầy dạy đàn. Buổi tối, các cháu về học đàn, nhà mình rộn ràng, vui vẻ hơn”.
 

Y-Plao-day-nhac-cho-tre-2020.jpg
Anh Y Ploi (bìa trái) dạy đàn cho các em học sinh

Ploi cho biết anh tự học đàn guitar khi đang là học sinh. Với ước mơ trở thành thầy giáo dạy nhạc, anh thi vào Khoa Sư phạm Thanh nhạc-Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Nhận tấm bằng đại học, anh về lại quê hương và dạy nhạc tại một số trường trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, anh còn mở thêm các lớp dạy nhạc (học phí 350 ngàn đồng/tháng) trong khi vẫn duy trì các lớp miễn phí. “Trước đây, mình chỉ mở các lớp dạy nhạc miễn phí ở làng Bông Frăo, sau đó thì dạy thêm tại các làng khác ở xã An Phú, Diên Phú, Biển Hồ. Học trò của mình nhiều lắm, nhớ không hết”-anh Ploi bộc bạch.
 
“Người cha” của 4 đứa con
 
Ngoài dạy đàn miễn phí, anh Ploi còn được biết đến với câu chuyện trở thành “người cha” bất đắc dĩ của 4 đứa con nuôi. “Nhưng chúng ở với tôi không được lâu. Có lẽ do phận vậy”-thầy giáo dạy nhạc thở dài.
 
Ploi cho hay, anh mắc một căn bệnh bẩm sinh nên không thể làm cha. Có lẽ vì vậy mà anh rất yêu trẻ con. Năm 2002, một buổi sáng mùa mưa, từ làng Bông Frăo, anh điều khiển xe máy trên quốc lộ 19 đến chỗ làm thì nghe tiếng trẻ con khóc trong bụi cây ven đường. Anh dừng xe thì thấy một bé gái đỏ hỏn được quấn trong chiếc khăn, kiến bắt đầu bu bám. Chàng trai trẻ hoảng hốt bế đứa trẻ lên, hô hoán rồi cùng người dân bế đến cơ quan chức năng trình báo. Vì chưa tìm được người thân và nghĩ mình có duyên với bé, anh nhận về nuôi. Sau phút ban đầu ái ngại bởi gia đình nghèo khó lại đông người, bố mẹ anh đã đồng ý. Bé HThiên sống với gia đình bố nuôi đến năm thứ 10 thì có người ở tỉnh Quảng Ngãi tìm đến xin nhận lại.
 
Ít năm sau, phát hiện một bé gái chừng 4-5 tuổi ngồi khóc trong bụi cây bên đường, anh Ploi lại nhận về nuôi trong lúc cơ quan chức năng phát thông báo tìm cha mẹ. Được một thời gian thì có 1 gia đình ở huyện Krông Pa lên nhận con ruột bị thất lạc. Đứa con thứ 3 mà anh nhận nuôi là ở huyện Chư Pưh. Bố mẹ mất sớm vì bệnh tật, bé gái này sống với ông bà ngoại hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Trong một lần biểu diễn văn nghệ ở Chư Pưh, thấy gia cảnh cháu bé quá khó khăn, anh xin bé về nuôi. 1 năm sau, ông bà ngoại vì thương nhớ nên lên xin về.  
 
Chuyện về đứa con nuôi thứ 4 cũng hết sức cảm động. Cách đây 5 năm, biết một nữ sinh đang theo học tại một trường cao đẳng ở TP. Pleiku-nơi anh dạy nhạc-muốn phá thai sau khi bị người yêu bỏ rơi, anh đã khuyên cô nên giữ lại và hứa sẽ nhận nuôi sau khi bé ra đời. “Sinh xong ít ngày thì mẹ cháu nức nở bảo thầy nuôi con giúp em rồi đi biệt. Mình đặt tên cháu là Quyên”-anh Ploi kể.
 
2 năm nay, do gia đình anh Y Ploi gặp nhiều biến cố khiến khó khăn chồng chất, bé Quyên được một tu viện nhận nuôi. Lý do là mẹ anh phát hiện bị ung thư, bố già yếu, 7 đứa em còn đang ăn học. Tuy vậy, Ploi vẫn duy trì các lớp dạy đàn miễn phí. Chuyện trò về những việc nghĩa của mình, anh trầm ngâm: “Mình thấy họ khó khăn thì giúp thôi, không nghĩ gì cả. Mình giúp họ, họ giúp mình, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Mà mình cũng được nhiều người giúp lắm đấy. Nhờ vậy mà mẹ mình có tiền chữa bệnh, các em trong nhà được ăn uống đủ đầy hơn”. 
 
Ông Y Nới-Trưởng thôn Bông Frăo-cho biết: “Dù gia cảnh khó khăn nhưng trước đây anh Ploi vẫn nhận con nuôi. Dân làng thấy thương nên cho gạo phụ giúp anh ấy. Hiện giờ, Ploi còn dạy đàn miễn phí cho trẻ con ở làng. Con trai tôi từng được anh ấy dạy đàn miễn phí lúc nhỏ đấy”.

Nguồn: Báo Gia LaI

Số lượt xem: 0

Các tin khác