Lớp dạy bơi đặc biệt dưới chân núi lửa

29 Tháng Bảy 2019
Không có hồ bơi hiện đại như các vùng thuận lợi, những chàng trai Jrai ở làng Xoă (xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah, Gia Lai) đã biến những khúc suối, đoạn kênh thủy lợi thành hồ “dã chiến” để dạy bơi cho trẻ em trong làng. Từ những lớp học miễn phí này, nhiều học viên “nhí” không những biết bơi mà còn cứu sống được nhiều bạn cùng trang lứa không may bị đuối nước. “Vùng này có rất nhiều suối, kênh mương thủy lợi, nhất là những hồ nước tưới cà phê sâu hoắm. Đã có nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra, nghiêm trọng là những vụ đuối nước tập thể đã tước đi mạng sống của nhiều trẻ cùng lúc, thậm chí có gia đình mất đi cùng lúc đến mấy đứa con. Nhờ có 3 chàng trai Jrai tình nguyện dạy bơi mà 2 năm trở lại đây, trên địa bàn xã không xảy ra vụ đuối nước nào”-ông Nguyễn Văn Nội-Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya-khẳng định.

Dạy bơi cho trẻ chăn bò

Khi mặt trời chuẩn bị tìm chỗ nấp bên kia đỉnh núi lửa Chư Đăng Ya, đàn bò bụng căng tròn, chán chê chẳng thèm gặm cỏ cũng là lúc tiếng trẻ làng Xoă í ới gọi nhau. Đứa lớn thì cầm theo chiếc can nhựa to, đứa nhỏ cầm can nhựa nhỏ, có đứa ôm theo đoạn thân chuối chặt trong vườn với nét mặt hớn hở, tung tăng đi về hướng cuối làng. Tại đây, một nhóm trẻ khác đã đứng chờ sẵn để cùng nhập cuộc. Chúng lũ lượt kéo nhau đi về phía xa cánh đồng. Bên dòng suối nhỏ, những chàng trai Jrai là Y Pyiu, Y Tai (SN 1994) và Rơ Ni (SN 2000) đang ra sức khuân từng hòn đá làm thành bờ đập, ngăn dòng chảy tích thêm nước chờ các em nhỏ trong làng đến học bơi.

Sự ra đời của lớp bơi này cũng thật đặc biệt. Chuyện là, một lần nọ, thấy những đứa trẻ chăn bò rủ nhau ra con suối gần đó tắm nhưng chẳng đứa nào dám ra xa vì không biết bơi, Y Pyiu và Y Tai (sau này mới có thêm Rơ Ni tham gia) ngồi hóng mát dưới gốc cây gần đó bèn nảy ra ý định dạy bơi cho lũ nhóc. Vậy là hội trẻ em chăn bò dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya được 3 “chàng trai chăn bò” tập hợp lại vừa tắm suối, vừa tập cho đến khi biết bơi. Đến năm 2017, Y Pyiu, Y Tai và Rơ Ni kết thúc “nghề” chăn bò nên việc học bơi của nhiều em dở dang. Xã lại có nhiều ao, hồ, suối nên số vụ đuối nước xảy ra liên tục. Vì vậy, 3 chàng trai này bèn quay lại mở lớp dạy bơi tập trung. “Bọn trẻ không biết bơi nhưng lại rất thích đi tắm suối. Đứa này thấy đứa kia bơi được cứ thế nhảy ào xuống. Những lúc như vậy mà không có bọn mình ở đó thì rất nguy hiểm”-Y Tai nói.

Ngày thường, các em đi học nên nghỉ buổi nào thì học bơi buổi đó. Còn những tháng hè, khi nào các em đi chăn bò buổi nào thì các “huấn luyện viên” lại ra dạy bơi. Hồ bơi được “thiết kế” gần làng hoặc gần địa điểm chăn bò cho tiện cả thầy và trò. “Giáo trình” dạy bơi cho các em được các thầy học lỏm trên kênh Youtube, sau đó thầy làm trước, trò làm sau, cùng tập luyện cho đến khi nào thuần thục các động tác mới thôi. “Việc dạy bơi của bọn mình là tự nguyện và miễn phí hoàn toàn. Các em trong làng đến đây thấy các bạn học bơi là tự tham gia vào học luôn, chẳng có ai đưa đến hay xin học gì cả. Bọn mình cũng nhắn với các em, thấy bạn nào chưa biết bơi thì bảo ra học luôn. Phao bơi không có thì bọn mình đi mượn mấy can nhựa hoặc chặt mấy cây chuối rừng để các em tập bơi. Còn con số bao nhiêu em đã biết bơi khi tham gia lớp học, bọn mình không thống kê và không nhớ hết”-anh Y Pyiu cười tươi nói. 

“Kình ngư” nhí… cứu người

Khi lũ trẻ kéo đến, chẳng cần ai nhắc nhở, chúng tự bảo nhau xếp thành hàng ngang và bắt đầu những động tác khởi động trên cạn theo hướng dẫn. Vừa giúp khởi động, các “huấn luyện viên”  không chuyên vừa ôn lại phần lý thuyết đã học về cách nhận biết vùng nước nông hay sâu, vùng nước nào nguy hiểm; kỹ thuật bơi cơ bản để phòng ngừa đuối nước; cách cứu người bị nạn không may sẩy chân xuống hố nước sâu… Mặc dù chưa được đào tạo qua bất kỳ trường lớp dạy bơi hay môi trường sư phạm nào nhưng bài giảng lý thuyết của 3 “huấn luyện viên” luôn cuốn hút các em. Và để phần lý thuyết trở nên dễ hiểu hơn, các em nhỏ được cho thực tập ngay tại đoạn suối trước mặt.

Vừa xong phần làm nóng cơ thể, hơn chục em nhỏ tầm 9 đến 13 tuổi ôm “phao bơi độ chế” nhảy ùm xuống suối, làm nước bắn tung tóe. Lớp học bơi “dã chiến” đầy ắp tiếng cười đùa pha lẫn với tiếng đập chân bì bõm cùng những lời hướng dẫn “nói như hét” của các huấn luyện viên. Em bơi ếch, em bơi ngửa, em thì lặn, em khác lại ôm can nhựa, chân đập nước loạn xạ không theo một trật tự nào cả. Đứng trên bờ quan sát, thấy em nào động tác chưa đúng, các “huấn luyện viên” lần lượt nhảy xuống nước, tận tình chỉ bảo từng động tác, từ cách đạp chân, sải tay, cách lấy hơi dài trước khi lặn xuống nước… Anh Y Pyiu khẳng định, em nào học nhanh chỉ cần 7 ngày là biết bơi, chậm nhất thì nửa tháng. Không dừng lại ở chỗ biết bơi, các em còn phải nắm được các kỹ thuật bơi khác nhau, học cách cứu người đuối nước. Nhiều em trong số này đã cứu được một số bạn thoát khỏi tay “hà bá” trong gang tấc.

Ông Nguyễn Văn Nội-Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya: “Mô hình dạy bơi cho trẻ em dân tộc thiểu số của 3 thanh niên làng Xoă đáng được biểu dương. Chúng tôi hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng khắp các buôn làng vùng sâu, vùng xa trên địa bàn để giảm thiểu tai nạn thương tâm vì đuối nước”.
 
Để kiểm chứng lời anh Y Pyiu, chúng tôi quay về phía đám trẻ hỏi: “Trong số các em ai đã từng cứu được người sắp bị đuối nước?”. Có đến 7 cánh tay giơ cao. Em Siu Than (SN 2008) xung phong kể: Cách đây 2 năm, trên đường đi học về, khi gần đến đầu làng, em nhìn thấy Siu Hming (học lớp 1, cùng làng) đến chơi gần hồ nước tưới cà phê, chẳng may đất nơi đó sạt lở kéo theo em này xuống nước. Thấy Hming chới với dưới hố nước sâu, chẳng kịp suy nghĩ, em quăng cặp trên bờ nhảy ùm xuống nước. Nhớ lời dặn của các anh lớn lúc dạy bơi, em liền bơi vòng ra phía sau Hming rồi túm lấy cổ áo, vừa bơi, vừa dìu em này vào bờ, giúp cả 2 thoát nạn. Cũng sau lần thoát chết ấy, Hming và anh trai của mình đã tham gia lớp học bơi và trở thành những tay bơi cừ khôi trong nhóm. Không những vậy, tranh thủ lúc không theo cha mẹ lên rẫy, anh em nhà Hming còn đến phụ các “thầy” dạy cho những bạn chưa biết bơi.

Đặc biệt, trong lớp, A Lai (SN 2007) được phong là “kình ngư” vì không chỉ bơi giỏi, em còn có thêm thành tích 4 lần cứu bạn khỏi bị đuối nước. A Lai chia sẻ: “Lần đầu tiên, em cứu được người bị đuối nước cách đây hơn 2 năm. Lúc đó, em đang tắm suối cùng các bạn thì nghe ùm một tiếng, nhìn lại đã thấy Bích (SN 2009, cùng làng) đang ngụp, lặn, hoảng loạn dưới chỗ nước sâu. Sau khi được A Lai bơi ra đưa vào bờ, Bích mới hoàn hồn cho biết thấy các bạn bơi lội, vui đùa dưới nước thích quá nên định nhảy xuống tắm cùng, nhưng do không biết bơi, lại gặp chỗ nước sâu nên suýt bị đuối nước”. Ngoài ra, còn có 3 trường hợp khác cũng được A Lai cứu khi bị hụt chân ở những chỗ trũng sâu. “Mỗi lần đi chăn bò, chúng em thường tìm đến suối, mương thủy lợi để tắm nhưng đa phần đều không biết bơi. Tham gia lớp học bơi của mấy anh trong làng, em được hướng dẫn kỹ năng bơi nên không sợ nước nữa, tha hồ tắm suối thỏa thích”-A Lai hào hứng cho biết.
Số lượt xem: 0

Các tin khác