Hai học sinh xây dựng ứng dụng hỗ trợ học tiếng Jrai

05 Tháng Mười Một 2021
Lần đầu tiên, ứng dụng hỗ trợ học tiếng Jrai trên thiết bị thông minh được ra mắt bởi 2 học sinh Trường THPT Ia Ly (huyện Chư Păh). Đáng chú ý, công cụ hữu ích này hoàn toàn miễn phí cho người dùng nhằm hướng tới mục tiêu bảo tồn và phát triển ngôn ngữ dân tộc Jrai trong quá trình hội nhập quốc tế.

Hiện thực hóa ý tưởng
 
Hai em Vũ Duy Đông và Nguyễn Thị Tú Anh là học sinh lớp 12A1, Trường THPT Ia Ly. Cư ngụ và học tập trên địa bàn có phần đông đồng bào Jrai sinh sống, 2 em sớm nhận ra rằng, số lượng những người Jrai trẻ tuổi có thể nói và viết thông thạo ngôn ngữ của dân tộc mình không nhiều. Điều này khiến 2 em không khỏi trăn trở; đồng thời, thôi thúc các em quyết tâm tìm cách để tiếng nói, chữ viết của dân tộc Jrai đến được với nhiều người hơn ngay từ giữa năm học lớp 10. Tú Anh nêu ý tưởng: “Sinh thời, Bác Hồ từng khẳng định “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”. Trước sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phổ biến của thiết bị thông minh, chúng em nghĩ ngay tới việc xây dựng 1 ứng dụng học tiếng Jrai để góp phần bảo tồn và phát triển ngôn ngữ của dân tộc Jrai tại địa phương. Người dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh để cài đặt, truy cập vào ứng dụng này và việc học có thể tiến hành mọi lúc, mọi nơi”.
 
Em Vũ Duy Đông chia sẻ: “Hiện nay, các công cụ hỗ trợ việc học tập và tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa của người Jrai chủ yếu ở dạng giấy in hoặc tra cứu trên internet. Các trang web hỗ trợ người dùng sử dụng tiếng Jrai mới chỉ cung cấp chức năng từ điển online, chưa đa dạng về nội dung học tập cũng như gây khó khăn khi người dùng đang ở trạng thái offline. Vì thế, chúng em muốn xây dựng ứng dụng học tiếng Jrai cho phép người sử dụng trải nghiệm ứng dụng trong hầu hết trường hợp ngay cả khi họ không trực tuyến”.

HOC-SINH-JRAI-UD.jpg
Cô Nguyễn Thị Diệu Hương trao đổi với 2 học trò Nguyễn Thị Tú Anh và Vũ Duy Đông để tiếp tục
hoàn thiện ứng dụng học tiếng Jrai

Ý tưởng là thế nhưng quá trình hiện thực hóa cũng gặp không ít khó khăn. Bởi lẽ, cả 2 em đều không phải người dân tộc bản địa, kiến thức về văn hóa, chữ viết Jrai khá hạn chế. Thêm vào đó, tại mỗi vùng, người Jrai lại có sự khác nhau trong một số phong tục tập quán và cách phát âm. Điều này khiến thời gian tìm hiểu, thu thập dữ liệu để xây dựng ứng dụng kéo dài gần 1 năm. “Ngoài tài liệu, giáo trình, sách, từ điển… về tiếng Jrai do thầy cô trong trường hỗ trợ, chúng em còn dành nhiều thời gian đi thực tế tại các làng để nắm bắt rõ hơn về lịch sử, văn hóa truyền thống, tiếng nói và chữ viết của đồng bào Jrai. Trên cơ sở đó, chúng em chọn lọc ra những chi tiết, nội dung tương đồng giữa thực tiễn và tư liệu có được để xây dựng nội dung cho ứng dụng. Chẳng hạn, qua tìm hiểu, chúng em được biết, ngôn ngữ của người Jrai được chia làm 5 phương ngữ chính với 5 nhóm địa phương tương ứng như: Jrai Chor, Jrai Hơđrung, Jrai Arap, Jrai Mơthur và Jrai Tơbuan. Tuy nhiên, Jrai Chor lại là phương ngữ phổ biến nhất, hiện đang được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng người Jrai tại hầu hết các địa phương”-Tú Anh phân tích.
 
Bên cạnh thu thập dữ liệu, 2 em còn tìm hiểu các bước xây dựng một ứng dụng đa nền tảng trên điện thoại thông minh, cách sử dụng các công cụ cơ bản và thuật toán. Sau khi tiến hành phân tích, thiết kế giao diện và hệ thống thông tin, việc viết code ứng dụng do Đông đảm nhiệm. “Lập trình máy tính vốn là thế mạnh của em nên không quá khó để thực hiện. Em lập trình ứng dụng Tự học tiếng Jrai dựa trên ngôn ngữ chính là JavaScript để kết nối các phần lại với nhau; đồng thời, sử dụng thêm 2 ngôn ngữ HTML và CSS để thể hiện phần đồ họa, giúp trình bày các phần, mục theo đúng thiết kế. Song song với viết code, chúng em còn phải tìm những bạn học sinh người Jrai trong trường có phát âm chuẩn để ghi âm giọng đọc mẫu trên ứng dụng”-Đông cho hay. 
 
Công cụ hỗ trợ học tập hữu ích
 
Mất thêm nhiều lần chỉnh sửa, tháng 1-2021, ứng dụng học tiếng Jrai của 2 học sinh Trường THPT Ia Ly chính thức ra mắt trong phạm vi nhà trường. Sau khi hoàn thiện, ứng dụng được Đông nén link trên Google Drive và tạo mã QR code giúp giáo viên cũng như học sinh trong trường dễ dàng tải về, cài đặt trên điện thoại để trải nghiệm. Ứng dụng có 5 mục chính: Bài học, Từ điển, Văn hóa, Giới thiệu về ngôn ngữ, văn hóa Jrai và Hướng dẫn sử dụng. Các bài học được lồng ghép video song ngữ Jrai-Việt và có câu hỏi trắc nghiệm sau mỗi bài học nhằm hỗ trợ việc học tập, ôn luyện kiến thức một cách hiệu quả. Ngoài ra, ứng dụng còn cung cấp kiến thức về đời sống, phong tục, văn hóa của dân tộc Jrai dưới dạng các bài viết ngắn gọn, súc tích, được trình bày một cách khoa học. Đây được xem là mô hình đầu tiên hỗ trợ việc học tiếng Jrai dưới dạng ứng dụng miễn phí cài đặt trên thiết bị thông minh.

 
Em Nguyễn Lê Thùy Liên (lớp 12A1) nhận xét: “Em khá hào hứng khi trải nghiệm ứng dụng học tiếng Jrai này. Giao diện thân thiện, dễ nhìn, dễ sử dụng và cài đặt. Người dùng cũng có thể tiếp cận các tiện ích trong hệ thống mà không cần trải qua quá trình đăng ký hay đăng nhập. Từ chưa biết gì, giờ đây em cũng đã giao tiếp được một số câu cơ bản với các bạn người Jrai. Thú vị nhất là ứng dụng có kèm theo video minh họa và phát âm mẫu giúp em có thể dễ dàng học theo”.

Cô Nguyễn Thị Diệu Hương-giáo viên Tin học Trường THPT Ia Ly: Tôi thấy rất vui và tự hào về học trò của mình. Trong suốt quá trình xây dựng ứng dụng, tôi chỉ hỗ trợ về tư liệu và định hướng, còn lại đều do các em tự tìm tòi, nghiên cứu và thực hiện sản phẩm dựa trên kiến thức và khả năng của bản thân. Với đa tiện ích và dễ sử dụng, trong tương lai, ứng dụng này sẽ giúp việc học tập, tìm hiểu ngôn ngữ và văn hóa của đồng bào dân tộc Jrai của mọi người trở nên hấp dẫn và tiện dụng
 
A2.jpg
Giao diện ứng dụng Học tiếng Jrai


Còn em Y Hồng (lớp 12A3) thì bày tỏ: “Mặc dù đã đọc, viết thành thạo ngôn ngữ Jrai nhưng khi sử dụng ứng dụng này, em vẫn cảm thấy rất bổ ích. Có nhiều từ vựng, kiến thức mà em vẫn chưa được biết. Em đã giới thiệu cho chị, em gái của mình sử dụng và ai cũng cảm thấy thích thú. Đặc biệt, em rất vui vì nhờ có ứng dụng này mà văn hóa, tiếng nói của dân tộc Jrai chúng em được nhiều người biết đến hơn”.
 
Với tính mới và sáng tạo, ứng dụng học tiếng Jrai của Vũ Duy Đông và Nguyễn Thị Tú Anh đã đạt giải nhì tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ VII (năm học 2020-2021) và mới đây là giải khuyến khích Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh lần thứ 9-2021. “Ứng dụng Học tiếng Jrai của chúng em là mã nguồn mở nên sẽ hoàn toàn miễn phí cho mọi người trải nghiệm và học tập. Thời gian đến, chúng em sẽ cố gắng đưa ứng dụng lên CH Play và App Store nhằm phổ biến rộng rãi đến nhiều người dùng. Cùng với đó, tiếp tục xây dựng, bổ sung các tính năng mới cho ứng dụng như: cung cấp thêm nhiều bài theo nhiều chủ đề đa dạng, mới mẻ; tạo chức năng nhóm chat thảo luận về bài học; đồng thời, mở rộng phạm vi ngôn ngữ trong từ điển, cho phép dịch song song tiếng Jrai-tiếng Anh nhằm đưa ứng dụng tiếp cận với bạn bè quốc tế, góp phần quảng bá và phát triển du lịch văn hóa bản địa. Xa hơn nữa, nếu có điều kiện, chúng em sẽ xây dựng thêm các ứng dụng Tự học tiếng Bahnar, Ê Đê…”-Đông thông tin.
Nguồn: Báo Gia Lai
Số lượt xem: 0

Các tin khác