"Thủ lĩnh" thanh niên ở Kon Gang

04 Tháng Hai 2022
Không chỉ gương mẫu trong phát triển kinh tế gia đình, anh Hi-Bí thư Đoàn xã Kon Gang (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) luôn năng nổ với công tác Đoàn, giúp nhiều thanh niên thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên ổn định cuộc sống.
 

Đón chúng tôi tại nhà riêng với nụ cười trìu mến, anh Hi cho biết: Sau khi tốt nghiệp THPT, vì bố mẹ đau bệnh nên anh tạm gác giấc mơ trở thành sinh viên. Năm 2012, chứng kiến nhiều thanh niên rời làng đi làm ăn xa, anh luôn trăn trở tìm hướng sản xuất để vươn lên làm giàu trên quê hương của mình.

Nghĩ là làm, anh bắt tay cải tạo 3 ha đất vườn để trồng cà phê, hồ tiêu. Đồng thời, anh quyết định theo học thêm nghề thú y. Thời điểm đó, anh được bầu làm Phó Bí thư Chi Đoàn làng Ktu. Năm 2015, anh đảm nhận thêm vai trò thú y viên của xã.

 


ANH-HI.jpg
Anh Hi luôn tận tình hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt cho đoàn viên, thanh niên để vươn lên thoát nghèo

 

Mỗi khi rảnh rỗi, qua sách báo và qua mạng internet, anh tìm hiểu những mô hình sản xuất hiệu quả, đồng thời vay vốn ngân hàng để phát triển chăn nuôi. Để tiết kiệm chi phí đầu tư, anh tận dụng nguồn phụ phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi để làm phân bón. Chính vì vậy, mô hình kinh tế của anh ngày càng phát triển, mang lại thu nhập ổn định.

Hàng năm, tích góp được bao nhiêu tiền anh đều đầu tư mua thêm đất và chăn nuôi bò, heo. Hiện anh đã có 4,5 ha cà phê, 300 trụ hồ tiêu, 2 ha lúa, 10 con bò, 4 con heo, 100 con gà và đào thêm 72 m2 ao để nuôi cá. Trừ chi phí đầu tư, mỗi năm, anh thu nhập hơn 150 triệu đồng. Năm 2018, anh được bầu làm Phó Bí thư Đoàn xã. Đến năm 2020 thì đảm nhiệm chức trách Bí thư Đoàn xã Kon Gang.

Anh Hi cho biết: Xã Kon Gang có 227 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), sinh hoạt ở 5 chi Đoàn thôn, làng. Trong đó, ĐVTN dân tộc Bahnar chiếm hơn 90%. Trước đây, phần lớn ĐVTN chưa mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chỉ sử dụng những giống cũ nên năng suất đạt thấp. Vì vậy, anh thường xuyên giới thiệu những giống cây trồng mới đạt năng suất cao để ĐVTN áp dụng phát triển kinh tế gia đình.

Đặc biệt, năm 2020, anh cùng 5 ĐVTN triển khai mô hình thanh niên phát triển kinh tế bằng cách trồng măng Đài Loan, chanh dây trên diện tích 5 ha. Là trưởng nhóm, anh đã chủ động liên hệ, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, tham gia các buổi tập huấn và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho các thành viên khác.

"Măng Đài Loan và chanh dây đang được thị trường ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao, chi phí đầu tư thấp. 2 loại cây này có thể xen canh với các loại cây trồng khác. Riêng măng Đài Loan trồng 9 tháng là có thể thu hoạch nên rất phù hợp với điều kiện kinh tế của ĐVTN”-anh Hi phấn khởi nói.


ANH-HI-2.jpg
Mỗi năm, anh Hi thu nhập hơn 150 triệu đồng từ trồng trọt và chăn nuôi


Vì thiếu kiến thức, không có vốn nên phần lớn thanh niên trong làng chỉ ở nhà phụ giúp gia đình, số khác không có công việc ổn định nên thường tụ tập chơi bời. Thấu hiểu khó khăn và mong muốn giúp ĐVTN có công việc ổn định, đầu năm 2021, anh Hi liên hệ với Đoàn Thanh niên Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang giới thiệu cho 8 ĐVTN thuộc diện gia đình khó khăn làm công nhân cạo mủ. Nhờ đó, nhiều ĐVTN có thu nhập 5-7 triệu đồng/tháng.

Anh A Linh (làng Ktu) cho biết: “Vì không có đất sản xuất nên gia đình mình gặp rất nhiều khó khăn. Tháng 1-2021, mình được anh Hi giới thiệu làm công nhân cạo mủ tại Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang. Từ đó đến nay, cuộc sống gia đình bớt khó khăn và còn có tiền tích lũy”.
 

Anh Lê Đình Chiến-Bí thư Huyện Đoàn Đak Đoa: “Anh Hi là một trong những điển hình làm kinh tế giỏi tại địa phương. Không những thế, anh là người nhiệt huyết, năng nổ với công tác Đoàn, là tấm gương sáng cho các ĐVTN học hỏi, làm theo”.

Nguồn: Báo Gia Lai

Số lượt xem: 0

Các tin khác