Nghị lực của Bĩch

30 Tháng Năm 2019
Nhiều năm liền là học sinh giỏi, đạt giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh môn Lịch sử, em Bĩch (lớp 12C2, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, huyện Đak Đoa, Gia Lai) đang nỗ lực từng ngày vượt qua khó khăn của gia đình có 9 người con, bố mẹ già yếu để theo đuổi tri thức. Là học sinh duy nhất được giới thiệu để Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đưa vào danh sách biểu dương những cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Bĩch khiến không ít người tò mò. Gặp em tại nhà ở làng Tuơh Klah (xã Glar, huyện Đak Đoa), tôi ấn tượng bởi sự nhanh nhẹn, tháo vát của em. Buổi trò chuyện diễn ra trong vườn cà phê, bởi Bĩch đang tranh thủ thời gian chăm sóc, cắt tỉa cành để cà phê mùa tới đạt năng suất cao.

Bĩch cho biết: Khi 4 anh, chị lập gia đình và ra ở riêng; 2 anh lớn bị bệnh nặng, mất khả năng lao động; bố mẹ già yếu và 2 em trai còn nhỏ; em trở thành lao động chính trong gia đình. Thế nhưng, điều đó không ảnh hưởng đến việc học của em. “Đợt nghỉ lễ 30-4 vừa rồi, em dắt 2 đứa em đi vun gốc, làm cỏ hơn 100 gốc cà phê nên bây giờ có thêm chút thời gian để ôn thi THPT Quốc gia”-Bĩch nói như khoe.
 
Sự ham học của Bĩch có lẽ xuất phát từ sự quan tâm của các thầy-cô giáo ở Trường THCS Anh Hùng Núp (xã Glar) khi giúp em hiểu về sự cần thiết của tri thức, đặc biệt là môn Lịch sử. Năm học lớp 8, Bĩch gây bất ngờ khi đạt giải nhất môn Lịch sử tại kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện. Từ thành tích này, em có thêm động lực học tập và vượt qua hoàn cảnh khó khăn gia đình để học tiếp THPT. Trong thời gian theo học tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Bĩch luôn được nhà trường và thầy cô dìu dắt, giúp đỡ tiến bộ. Em thường xuyên được nhận học bổng nhờ thành tích học tập tốt và được miễn giảm nhiều khoản đóng góp khác.
 
Không phụ sự kỳ vọng của thầy cô, đầu năm lớp 12, Bĩch có tên trong đội tuyển học sinh giỏi của trường. Theo sau các bạn trong quá trình bồi dưỡng, nhưng em đã trở thành một trong 2 học sinh của đội tuyển Lịch sử giành về 2 giải khuyến khích cho ngôi trường vùng khó. Nói về thành tích này, Bĩch khiêm tốn: “Trong quá trình học tập, em luôn cố gắng hết mình. Lịch sử là môn học em yêu thích nên say mê, tìm hiểu thông qua tài liệu, sách truyện, hình thành cho mình phương pháp ghi nhớ ngày tháng, sự kiện, ý nghĩa. Lúc biết đạt giải, em cũng có phần bất ngờ, nhưng bất ngờ hơn là được cô giáo dạy Lịch sử mua tặng một chiếc điện thoại nhỏ để giữ liên lạc với thầy-cô. Món quà khiến em rất xúc động”.
 
Không chỉ có thành tích học tập tốt, Bĩch còn rất năng nổ, nhiệt tình tham gia các phong trào của trường, lớp. Nói về cô học trò đáng yêu, thầy Hồ Thanh Lộc-Giáo viên chủ nhiệm lớp 12C2-vui vẻ: “Bĩch là học sinh người dân tộc thiểu số hiếm có. Em ngoan hiền, lễ phép, học văn hóa tốt và hoạt động phong trào không thua kém ai, dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Em không nề hà giúp đỡ bạn bè, là “Đôi bạn cùng tiến” của nhiều học sinh người Bahnar khác trong lớp”.
 
Việc trở thành lao động chính trong gia đình khi còn ngồi trên ghế nhà trường vô hình trung đã khiến Bĩch trở thành cô gái chững chạc trước tuổi và sống có trách nhiệm. Em đã sớm nhận ra vài trăm gốc cà phê và 2 mảnh ruộng lúa nước không thể nuôi sống gia đình mình mãi khi các em ngày một khôn lớn, cần được học hành. Bĩch cho hay, em đã chuẩn bị sẵn hồ sơ nộp vào ngành May mặc của Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai sau khi tốt nghiệp THPT, vì em nhìn thấy rõ mục tiêu của mình. “Với điều kiện gia đình hiện nay, em thấy đi học nghề là hợp lý nhất, vừa tiết kiệm thời gian lại không quá xa nhà. Ăn mặc là nhu cầu bắt buộc của tất cả mọi người nên em nghĩ việc chọn nghề của em sát với thực tế”-Bĩch bày tỏ. 
 
Góp chuyện với chúng tôi, ông An-Trưởng thôn Tuơh Klah-nói: “Bĩch nó nói được làm được đó. Nó là đứa con gái trẻ siêng nhất cái làng này. Bố mẹ, các anh đau ốm nên việc gì cũng đến tay, nhưng nó vẫn học giỏi lắm”. Còn tôi, tôi cũng có một niềm tin rằng, Bĩch sẽ làm được, sẽ thành công như lời ông An nói khi nhìn tác phong nhanh nhẹn, tự tin cùng gương mặt sáng, nụ cười tươi lúc em chào tạm biệt tôi nơi cổng làng.
Số lượt xem: 0

Các tin khác