Lắng nghe trẻ em nói

30 Tháng Ba 2022
Sáng 29-3, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), Tỉnh Đoàn Gia Lai phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Chương trình tiếp xúc, đối thoại giữa đại biểu HĐND tỉnh với trẻ em năm 2022 với chủ đề “Gia Lai chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ trong đại dịch Covid-19”. Với tinh thần chia sẻ thẳng thắn, cởi mở, những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của thiếu nhi đã được các đại biểu HĐND tỉnh và lãnh đạo sở, ban, ngành ghi nhận và giải đáp.
 
dt-1.jpg
Quang cảnh chương trình

Chủ trì buổi tiếp xúc, đối thoại có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Thị Giang Thảo-Bí thư Tỉnh Đoàn. Tham dự chương trình còn có các đồng chí trong Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành cùng 92 em thiếu nhi đến từ 17 huyện, thị xã, thành phố.


Nhiều vấn đề “nóng” được đề cập

Chương trình tiếp xúc đối thoại giữa đại biểu HĐND tỉnh với trẻ em diễn ra trong không khí gần gũi, thân mật. Vì thế, các em thiếu nhi đã mạnh dạn trao đổi, đặt câu hỏi cho các đồng chí đại biểu HĐND tỉnh.

Em Đinh Vũ Nhật Minh-lớp 9A, Trường THCS Trưng Vương (thị xã An Khê) đặt câu hỏi: “Trong bối ảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay ở tỉnh ta, trẻ em cũng là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng cả về thể chất và tinh thần. Đối với những học sinh có bố mẹ và người thân bị nhiễm bệnh với triệu chứng nặng, phải cách ly tập trung, tỉnh ta đã có những giải pháp nào để hỗ trợ, giúp đỡ trẻ?”.

dt-2.jpg
Đồng chí Hồ Văn Niên (thứ ba từ trái sang)-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,
Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các đại biểu trò chuyện với thiếu nhi bên lề chương trình

 

Trả lời vấn đề này, bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Để hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em, học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Sở đã phối hợp với các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn gia đình, trẻ em truy cập đường link, video, tài liệu hướng dẫn kỹ năng phòng-chống dịch bệnh Covid-19 cho trẻ em; cấp phát hơn 39 ngàn tờ rơi hướng dẫn kỹ năng tự bảo vệ trước nguy cơ bị xâm hại của trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, Sở đã triển khai chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 theo quy định; trong đó, hỗ trợ cho trẻ em thuộc đối tượng F0, F1 là 1 triệu đồng/trẻ và tiền ăn 80.000 ngàn đồng/người/ngày trong thời gian điều trị (từ ngày 27-4-2021 đến 31-12-2021). Ngoài ra, Sở còn rà soát, thực hiện hỗ trợ cho 14 trẻ em mồ côi cha, mẹ do Covid-19 và 5 trẻ em con sản phụ bị mắc Covid-19 với tổng số tiền 75 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.

dt3.jpg
Bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh trả lời câu hỏi của các thiếu nhi


Liên quan đến vấn đề học tập trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, em Siu Hằng-lớp 9, Trường Tiểu học-THCS Nguyễn Khuyến (huyện Chư Prông) đặt câu hỏi: “Khi có F0 trong lớp học thì lớp sẽ chuyển sang hình thức học trực tuyến nhưng nhiều bạn học sinh không đủ điều kiện, thiết bị học tập. Các cô, chú có giải pháp gì để giải quyết tình trạng này?”. Bà Lê Thị Thu Hương-Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông-giải đáp: Sở đã phối hợp với Sở GD-ĐT và các đơn vị, địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1627/KH-UBND ngày 25-10-2021 về phát động và triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” trên địa bàn tỉnh với mục đích huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ các em học sinh khó khăn có điều kiện học tập trong thời gian học trực tuyến theo phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”. Sở cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông bố trí nguồn lực triển khai phương án phủ sóng các điểm chưa kết nối Internet di động trên địa bàn tỉnh; đề xuất, triển khai hỗ trợ các gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông phục vụ việc dạy và học trực tuyến.
 
dt4.jpg
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Long trả lời câu hỏi của các thiếu nhi
 

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Long cũng thông tin thêm: Để thực hiện tốt việc dạy và học trực tuyến cần thiết bị học và đường truyền, kỹ năng dạy trực tuyến của các thầy-cô giáo và sự thích ứng của các em học sinh. Về vấn đề thiết bị học, Sở GD-ĐT đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát, thống kê số lượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh, đánh giá mức độ, số lượng học sinh cần hỗ trợ phương tiện và điều kiện để tham gia học trực tuyến; đồng thời, thực hiện các bước để triển khai hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho các em học sinh thuộc đối tượng hỗ trợ theo quy định. Qua rà soát, toàn tỉnh hiện còn hơn 21.000 học sinh thuộc diện hộ nghèo chưa có thiết bị học trực tuyến. Sở đã huy động nguồn lực để mua 12.000 máy tính bảng tặng cho các em và tiếp tục có biện pháp để tạo điều kiện cho các em yên tâm học tập.

Trước lo lắng của em Đinh Thị Viên-lớp 9A, Trường Tiểu học và THCS Chơ Glong (huyện Kông Chro) về tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như mong muốn có biện pháp để hạn chế tình trạng này, bà Rơ Chăm H’Hồng-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho hay: Tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn diễn ra tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, năm 2020, toàn tỉnh có 896 vụ tảo hôn, riêng huyện Kông Chro có 67 vụ tảo hôn. Để góp phần hạn chế và tiến tới chấm dứt nạn tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các cấp Hội Phụ nữ trong toàn tỉnh đã tập trung tuyên truyền cho hội viên, phụ nữ, đặc biệt là những người có con đang ở độ tuổi vị thanh niên, học sinh THPT, THCS... về các nội dung như: Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân và Gia đình; tổ chức tuyên truyền cho các hộ dân tại các thôn, làng ký cam kết không vi phạm tảo hôn. Đồng thời, thành lập 61 câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn” gồm 1.720 thành viên tham gia; chủ yếu là phụ nữ đang có con gái, con trai ở độ tuổi từ 10 đến 20 tuổi.


Tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ

Tiếp xúc, đối thoại giữa đại biểu HĐND tỉnh với trẻ em là chương trình ý nghĩa, không chỉ giúp các em thiếu nhi được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng về những vấn đề mình quan tâm, mà còn góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp, ngành, toàn xã hội về các vấn đề liên quan đến trẻ em, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho các em.


92 em đại diện cho thiếu nhi toàn tỉnh rất vui mừng vì được tiếp xúc, chia sẻ những nguyện vọng chính đáng với các đồng chí đại biểu HĐND tỉnh. "Tham gia chương trình tiếp xúc đối thoại, chúng em được chia sẻ, đề xuất nhiều ý kiến, những vấn đề mà chúng em thường gặp phải trong cuộc sống. Được các cô, chú giải đáp tận tình từng vấn đề, chúng em có thêm nhiều kiến thức để có thể xử lý tình huống nếu xảy ra trong thực tế. Em mong chương trình này được tổ chức thường xuyên hơn”-em Nay H’Jan Ni-lớp 9, Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Krông Pa-chia sẻ.

dt5.jpg
Các em thiếu nhi đặt câu hỏi cho đại biểu HĐND tỉnh tại chương trình tiếp xúc, đối thoại


Chương trình là một phiên đối thoại cởi mở, thẳng thắn để mọi người lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của thế hệ tương lai tỉnh nhà. Tại buổi đối thoại, các em thiếu nhi đã chia sẻ 16 ý kiến liên quan đến các vấn đề như: tiêm vắc xin cho học sinh dưới 12 tuổi; tình trạng bạo hành trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em; tình trạng bạo lực học đường; tai nạn đuối nước ở trẻ em trong mùa hè do thiếu các sân chơi; vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học; cách phòng-tránh những thông tin xấu, độc, hại trên mạng xã hội; tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ trong học sinh…

Tại buổi đối thoại, đại biểu HĐND tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành đã nghiêm túc lắng nghe, giải đáp thấu đáo các câu hỏi; đồng thời đưa ra các định hướng, giải pháp cụ thể về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong thời gian tới. Sau chương trình đối thoại, ý kiến của các em thiếu nhi sẽ được Tỉnh Đoàn, Sở GD-ĐT tổng hợp, chuyển đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết, trả lời.

Phát biểu tại chương trình, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên nhấn mạnh: Hàng năm, Tỉnh Đoàn, Sở GD-ĐT đều phối hợp tổ chức chương trình Tiếp xúc, đối thoại giữa HĐND tỉnh với trẻ em theo những chủ đề phù hợp với nhu cầu chính đáng của thiếu nhi. Điều đó cho thấy sự nỗ lực của các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Chương trình là cơ hội để lắng nghe các cháu nói và đặt ra trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành cũng như của đại biểu HĐND tỉnh. Tất cả ý kiến của các cháu đã được đại diện các sở, ngành giải đáp một cách thấu đáo, tuy nhiên, trong thời gian tới, bằng nhiều kênh khác nhau, các cháu có thể tiếp tục gửi ý kiến, đề xuất đến với các địa phương. Với tinh thần trách nhiệm, đề nghị các đồng chí đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp tháo gỡ những vấn đề liên quan đến trẻ em, đặc biệt là những vấn đề mà trẻ em quan tâm, với quyết tâm bảo vệ trẻ em-những mầm non tương lai của đất nước.

Nguồn: Báo Gia Lai

Số lượt xem: 2

Các tin khác