Theo thống kê của Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh Gia Lai, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 10 vụ tai nạn đuối nước làm 11 trẻ em tử vong; 07 vụ xâm hại, 01 vụ bạo hành trẻ em; 01 vụ tai nạn giao thông và 02 vụ tử vong do tại nạn, thương tích tại các huyện: Chư Prông, Ia Grai, Krông Pa, Đak Đoa, Đức Cơ và TP. Pleiku. Các vụ việc đều có diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng (so với cùng kỳ năm trước) đặc biệt là trong thời gian nghỉ phòng dịch bệnh, nghỉ hè và mùa mưa.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ việc tại nạn thương tích, xâm hại, bạo hành trẻ em, như:
Gia đình-những người tin cậy, gần gũi nhất với trẻ nhưng thiếu sự quan tâm. Trẻ thiếu kiến thức về giới tính và thiếu kỹ năng nhận biết các nguy bị xâm hại và tự bảo vệ bản thân, đặc biệt là xâm hại tình dục. Bên cạnh đó, nhiều bậc phụ huynh, người lớn sống thiếu gương mẫu, thiếu trách nhiệm với con cái cũng tạo ra sự mất an toàn cho trẻ em ngay trong chính gia đình của mình.
Sự ảnh hưởng của những thông tin không chính thống, lối sống thực dụng, văn hóa phẩm đồi trụy phổ biến trên mạng Internet đã ảnh hưởng đến tâm-sinh lý của trẻ. Dẫn đến sự xuống cấp về đạo đức, lối sống buông thả của một số ít người nhất là đối tượng thanh thiếu niên hư hỏng.
Sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ nên một bộ phận trẻ em đua đòi, ăn chơi dẫn đến hành vi bạo lực học đường hoặc bị các đối tượng xấu lợi dụng xâm hại tình dục.
Do tập quán đời sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số thường xuyên đi nương rẫy không có điều kiện chăm sóc, quản lý con khiến các đối tượng dễ dàng thực hiện hành vi xâm hại.
Trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; người dân ở một số địa bàn ở vùng sâu vùng xa còn duy trì các phong tục tập quán lạc hậu.
Nguyên nhân chính gây tử vong cho trẻ là đuối nước, tai nạn giao thông, ngộ độc, ngã, bỏng/cháy, điện giật và động vật cắn.
Đa số là do trẻ thiếu kiến thức về việc phòng, tránh các nguy cơ gây tai nạn thương tích, việc giám sát quản lý trẻ của gia đình và nhà trường còn chưa chặt chẽ, trẻ chưa được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế phù hợp, đặc biệt là cấp cứu và chăm sóc trước khi được đưa đến bệnh viện.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục tuy được triển khai đồng bộ nhưng chỉ đến được các đối tượng trẻ em trong trường học, chưa phổ biến rộng rãi đến địa bàn dân cư đặc biệt là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa.
Việc nắm bắt, thông tin, báo cáo về các vụ việc xâm hại, bạo hành trẻ em xảy ra trên địa bàn của một số đơn vị chưa kịp thời, còn lúng túng trong việc tham gia, phối hợp giải quyết vấn đề theo chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Đoàn, Đội.
Công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tổ chức kiểm tra, giám sát toàn diện và theo chuyên đề về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em còn chưa thường xuyên, liên tục. Việc vận động các nguồn lực dành cho công tác này ở một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức.
Các khu vui chơi, giải trí dành cho trẻ em đã có nhưng còn hạn chế, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, hiệu quả sử dụng chưa cao. Tại các vùng sâu, vùng xa, điểm vui chơi bổ ích, lành mạnh cho trẻ em còn thiếu, phần lớn trẻ em tự vui chơi theo nhóm, thiếu người tổ chức, hướng dẫn.
Các vụ trẻ em bị tai nạn thương tích diễn biến phức tạp, đặc biệt là đuối nước, có thời điểm xảy ra nhiều vụ, nhiều trẻ bị tử vong cùng lúc.
Từ những nguyên nhân kể trên, hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Ban Thường vụ Đoàn, Hội đồng Đội các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh triển khai, thực hiện các giải pháp cấp bách sau:
Một là, tăng cường vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đoàn, Đội các cấp trong việc tham mưu, đề xuất với cấp uỷ, chính quyền địa phương tạo điều kiện triển khai, thực hiện các nhiệm vụ trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, phòng chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em và tổ chức tiếp xúc đối thoại với cấp ủy, chính quyền các cấp theo định kỳ hàng năm ít nhất 01 lần/năm.
Chương trình "Tiếp xúc, đối thoại giữa đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh với trẻ em" tỉnh Gia Lai
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng, chống tai nạn thương tích và xâm hại cho các em thiếu nhi và cộng đồng. Thông qua các buổi sinh hoạt Đoàn-Đội, các lớp tập huấn trên địa bàn dân cư, hoạt động của Đội tuyên truyền măng non, tuyên truyền viên ở cơ sở; kịp thời khuyến cáo, tuyên truyền đến các hộ gia đình trên địa bàn thông qua hệ thống loa phát thanh tại địa phương.
Liên hoan các Đội tuyên truyền măng non với chủ đề "Thiếu nhi Gia Lai với Luật trẻ em"
Ba là, tăng cường công tác phối hợp với các ngành trong việc chỉ đạo, triển khai phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước và xâm hại trẻ em; đồng thời, phối hợp theo dõi, nắm bắt thông tin các vụ việc liên quan đến trẻ em và báo cáo về Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh, Câu lạc bộ Tư vấn, trợ giúp trẻ em tỉnh sau khi phát hiện vụ việc hoặc sau khi các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải thông tin. Từ đó, có phương án tham gia hỗ trợ xử lý, khắc phục hậu quả, động viên, chia sẻ với các em và thân nhân các gia đình có trẻ em gặp nạn. Đây là được xem là một trong những điều kiện để xét thi đua, khen thưởng các tập thể, cá nhân vào cuối năm học và hằng năm.
Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tư vấn, trợ giúp trẻ em tỉnh thăm hỏi, động viên trẻ em bị xâm hại
Bốn là, khẩn trương tổ chức, phối hợp với các ngành liên quan thiết kế, in các pano, băng rôn, tờ rơi, lắp đặt các biển cảnh báo có nội dung tuyên truyền phòng, chống đuối nước tại các bảng tin thôn, xóm, phường, xã, trên các tuyến đường có đông người qua lại, đặc biệt tại các điểm sông, suối, ao, hồ và các hố sâu có nước do người dân tự tạo. Tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát, tích cực phòng ngừa các hành vi xâm hại trẻ em trong suốt thời gian học tập, nghỉ phòng dịch, nghỉ hè, mùa mưa bão trên các phương tiện thông tin đại chúng thông qua hệ thống loa phát thanh, bảng tin, tuyên truyền trực quan, website, facebook...
Đặt biển cảnh báo đuối nước
là một trong những giải pháp góp phần giảm thiểu tình trạng tai nạn thương tích ở trẻ em
Năm là, thành lập các đội thanh niên xung kích, thanh niên tình nguyện thường xuyên nhắc nhở thiếu nhi không vui chơi những nơi nguy hiểm, không tự ý tắm ở ao, hồ, sông, suối, các khu vực nhà cao tầng, công trình công cộng... và sẵn sàng cứu nạn khi có tình huống tai nạn xảy ra.
Sáu là, thường xuyên đổi mới, nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền sâu rộng đến thanh thiếu nhi, nhân dân nhất là trong vùng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường giáo dục truyền thống gia đình, tập trung giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho thiếu nhi. Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, sinh hoạt bổ ích, thiết thực cho thiếu nhi góp phần quản lý, giáo dục và giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Những đơn vị có đủ điều kiện đảm bảo đầy đủ, an toàn về trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân sự có thể tổ chức các lớp học bơi cho thiếu nhi. Đồng thời, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước và xâm hại trẻ em cho đội ngũ cán bộ Đoàn, Đội, chỉ huy Đội và thiếu nhi tại địa phương, đơn vị. Các hoạt động tổ chức đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và các dịch bệnh khác.
Thực hành các kỹ năng bơi và cứu đuối
Bảy là, tiếp tục triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Vì đàn em thân yêu” thông qua các hoạt động như: Mỗi tổ chức cơ sở Đoàn tiếp tục duy trì, nhận giúp đỡ thường xuyên thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; rà soát, lập danh sách những xã, phường, thị trấn chưa xây dựng hoặc đã có điểm sinh hoạt, vui chơi cho thanh thiếu nhi nhưng đã xuống cấp, có phương án bố trí, vận động các nguồn lực để xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các điểm sinh hoạt, vui chơi trong thời gian sớm nhất, vì đây được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu tình trạng trẻ em bị thương, vong do tai nạn thương tích.
Khánh thành và bàn giao sân chơi "Năng động Việt Nam" do Trung ương Đoàn và công ty Nestle hỗ trợ
tại xã Ia Ga, huyện Chư Prông
Với một số giải pháp khẩn trương, sáng tạo, đa dạng, phù hợp với tình hình thực tế mà Ban Thường vụ, Hội đồng Đội tỉnh đã xác định, cùng sự vào cuộc của các cấp, các ngành, việc triển khai, thực hiện hiệu quả, kịp thời của tổ chức Đoàn, Đội các cấp, hi vọng trong thời gian đến, sẽ không còn những vụ việc trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước, bạo lực, xâm hại ở trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Đức Thanh - Trưởng Ban Thanh Thiếu nhi - Trường học Tỉnh đoàn