Nguyễn Thị Phi Giao: Nữ giáo viên "2 giỏi"

17 Tháng Giêng 2022
Không chỉ được biết đến như một MC (người dẫn chương trình) có tiếng ở huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai), chị Nguyễn Thị Phi Giao còn là giáo viên tâm huyết với nghề và là điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương.
 

Dạy học là niềm vui
 
Chị Nguyễn Thị Phi Giao sinh năm 1991 tại thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh. Dẫu gia cảnh vô cùng khốn khó khi cả nhà có đến 10 anh chị em, song ước mơ trở thành cô giáo dạy trẻ đã thôi thúc chị không ngừng phấn đấu vươn lên. Sau khi tốt nghiệp THPT, từ năm 2010 đến năm 2013, chị theo học chuyên ngành Giáo dục Tiểu học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Ra trường với tấm bằng loại ưu, chị thi và trúng tuyển biên chế giáo viên ở TP. Pleiku lẫn Chư Pưh.
 
“Lúc ấy, tôi vỡ òa vui sướng vì cuối cùng đã hiện thực hóa được giấc mơ bấy lâu ấp ủ. Gạt đi những phân vân, tôi quyết định rời phố về huyện giảng dạy, phần vì muốn gắn bó với các em học sinh vùng khó, phần được gần gia đình. Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (xã Ia Hrú) trở thành ngôi nhà thứ 2 của tôi từ đó”-chị Giao nhớ lại.
 
Dù đã trải qua gần 7 năm công tác, thế nhưng với chị, mỗi ngày lên lớp đều là một ngày vui. Với đặc thù lớp học có cả học sinh người Jrai và người Kinh, trong quá trình giảng dạy cũng như làm công tác chủ nhiệm, chị không ngừng tìm tòi, học hỏi những phương pháp hay, khoa học để áp dụng cho từng em nhằm mang lại kết quả học tập tốt nhất.
 
Chị Giao chia sẻ: So với học sinh người Kinh, các em người Jrai bản tính nhút nhát và lực học có phần hạn chế. Vì thế, tận dụng lợi thế có thể giao tiếp được bằng tiếng Jrai, chị thường xuyên chuyện trò, gần gũi và hướng dẫn các em học tập; qua đó giúp các em hòa đồng, tự tin hơn. Chị còn tự bỏ tiền mua sách vở, bút, đồ chơi... để khen tặng những em có sự tiến bộ trong học tập. Kết thúc năm học, 100% học sinh lớp chị chủ nhiệm đều đọc thông, viết thạo tiếng Việt và làm được những dạng toán cơ bản.
 

Nguyen-Thanh-Phi-Giao-khoi-nghiep-lap-nghiep.jpg
Chị Nguyễn Thị Phi Giao bên vườn me Thái của gia đình

 
Nói về cô giáo của mình, em Kpă H’Bila (lớp 4A1) cho hay: “Cô Giao rất thương tụi con. Lúc học trên lớp, chỗ nào con không hiểu, cô đều tận tình chỉ dạy. Cô còn tập cho con hát, múa nhiều bài thật hay. Nhờ cô mà giờ con đã biết đọc giỏi và viết giỏi tiếng Việt như các bạn rồi”.
 
Không chỉ vững vàng về chuyên môn, cô giáo Nguyễn Thị Phi Giao còn là Bí thư Đoàn trường năng nổ, nhiệt huyết, luôn đi đầu trong mọi hoạt động phong trào do nhà trường và địa phương tổ chức. Thầy Ksor Klil-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản-nhận xét: “Cô Giao là giáo viên tiêu biểu của trường trong phong trào thi đua dạy tốt-học tốt, được đồng nghiệp, phụ huynh lẫn học sinh yêu mến. Bên cạnh đó, cô còn rất có năng khiếu về văn thể mỹ, dẫn chương trình... nên có nhiều đóng góp vào thành tích của trường trong các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao. Hàng năm, cô đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, lao động tiên tiến...”.
 
Thanh niên sản xuất giỏi
 
Ngoài thời gian đứng lớp, chị Giao chủ yếu gắn bó với vườn cây ăn quả rộng hơn 3 ha của gia đình. Chị kể: “Năm 2013, khi tôi tốt nghiệp cao đẳng cũng là lúc gia đình rơi vào bế tắc. Hồ tiêu-cây trồng cho thu nhập chính-bị chết hàng loạt, rớt giá thê thảm. Khoản nợ ngân hàng 800 triệu đồng trở thành gánh nặng khiến các thành viên trong gia đình suy sụp. Lúc ấy, nhận thấy tiềm năng từ việc trồng cây ăn quả, tôi đã khuyên ba mẹ chuyển đổi cây trồng để vực dậy kinh tế gia đình. Đầu năm 2015, tôi đánh liều vay mượn bạn bè 100 triệu đồng để mua 700 cây giống gồm: mít Thái, sầu riêng, bơ booth, chôm chôm Thái, na Thái, ổi trân châu ruột đỏ, me Thái... về trồng xen trong vườn hồ tiêu chết; đồng thời không ngừng tìm hiểu về kỹ thuật chăm sóc sao cho hiệu quả. Cũng kể từ đó, tôi bắt đầu gắn bó và có niềm yêu thích với các loại cây ăn quả”.
 
Những năm sau, chị Giao tiếp tục mở rộng diện tích lên 3 ha với khoảng 1.100 cây ăn quả các loại. Vì hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên cây sinh trưởng, phát triển khá tốt; sau 3 năm bắt đầu cho thu bói. Mỗi năm trừ chi phí, chị thu về hơn 200 triệu đồng. Đến nay, nhờ thu nhập từ cây ăn quả, gia đình chị đã trả được gần 600 triệu đồng tiền vay ngân hàng và dự kiến sẽ trả hết nợ vào cuối năm nay.
 
“Vì tay ngang nên lúc đầu trồng thử nghiệm, tôi cũng gặp khá nhiều khó khăn. Mọi thứ đều phải học hỏi, tìm hiểu, tự bắt tay vào làm rồi rút kinh nghiệm dần. Bên cạnh nghiên cứu kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả từ sách, báo, tôi còn tham gia các hội/nhóm trên mạng xã hội để tích lũy, nâng cao kiến thức. Cũng nhờ đó, tôi có sự kết nối tốt với các đầu mối, tạo dựng được thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm của mình”-chị Giao chia sẻ.
nguyen-thi-phii-gia-2-gc-2020.jpg
Cô giáo Nguyễn Thị Phi Giao bên những học trò nhỏ của mình
 

Song song với việc duy trì diện tích cây ăn quả hiện tại, chị Giao dự kiến sẽ đầu tư trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng với tổng vốn đầu tư khoảng 250 triệu đồng. Trước đó, chị đã hợp tác với một người bạn thử nghiệm thành công mô hình trồng dưa lưới tại xã Trà Đa (TP. Pleiku). Theo chị, dưa lưới có hàm lượng dinh dưỡng cao và đang rất được thị trường ưa chuộng. Mặt khác, thời gian từ lúc trồng cho đến khi thu hoạch loại quả này chỉ mất 2,5 tháng; khâu bảo quản và vận chuyển cũng tương đối dễ dàng trong khi giá trị kinh tế khá cao (65.000-70.000 đồng/kg).
 
Với những nỗ lực của mình, vừa qua, chị Giao đã được Huyện Đoàn Chư Pưh tuyên dương là thanh niên tiêu biểu trong phát triển kinh tế. Phó Bí thư Huyện Đoàn Chư Pưh Nguyễn Tuấn Anh nhận xét: “Chị Giao là một cán bộ Đoàn gương mẫu, tâm huyết trong mọi hoạt động phong trào. Tuy là nữ nhưng làm kinh tế tương đối giỏi, nhạy bén trong việc kết nối, tìm đầu ra cho nông sản và luôn sẵn sàng hỗ trợ mọi người cùng vươn lên thoát nghèo. Để tiếp sức cho chị Giao tiếp tục phát huy lợi thế trong sản xuất kinh doanh cây ăn quả, đầu năm 2020, Huyện Đoàn đã lựa chọn hỗ trợ chị triển khai mô hình trồng mít Thái với 210 cây giống và 6 tạ phân bón hữu cơ sinh học; đồng thời tổ chức cho đoàn viên, thanh niên đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại vườn cây của chị”.
 
Không hài lòng với những gì đã đạt được, chị Giao cho biết, mục tiêu của bản thân là trau dồi thêm chuyên môn để tiếp tục truyền dạy kiến thức cho học trò vùng khó; đồng thời tích cực xây dựng thương hiệu riêng cho một số loại cây ăn quả đặc thù như me Thái, dưa lưới... ở địa phương.
Nguồn: Báo Gia Lai
Số lượt xem: 0

Các tin khác